Thời gian qua, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, điều đó được thể hiện bằng những con số hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, cũng chính trên đà tăng trưởng nóng đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy việc tập trung tìm ra những “nút thắt” để tháo gỡ đang là vấn đề được quan tâm.
Tốc độ tăng trưởng nóng
Theo thống kê từ một số địa phương thì lượng khách du lịch tăng mạnh nhưng chủ yếu là khách nội địa. Bên cạnh đó, du khách có xu hướng chuyển sang lựa chọn những điểm đến có chất lượng cao. Đây chính là điểm sáng tăng trưởng tại một số địa phương.
Điển hình như tại Hà Nội, 8 tháng của năm 2022, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt du khách, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 582.000 lượt, khách nội địa ước đạt 11,8 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8, Hà Nội ước tính đón 1,76 triệu lượt du khách, trong đó lượng khách nội địa đạt 1,6 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 156.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4,03 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê từ nhiều địa phương khác cũng cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Mùa kinh doanh du lịch hè 2022 đã kéo công suất phòng khách sạn ở TPHCM tăng đáng kể, nhiều khách sạn đã đạt mức 85 - 90% so với con số 10 - 20% hồi đầu năm 2022. Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch thì tình hình đều khởi sắc, nhu cầu khách hàng sử dụng các dịch vụ chất lượng cao gia tăng.
Bên cạnh đó, tại các địa phương như: Quảng Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình… những địa phương có chất lượng du lịch cao cũng đều nhận được tín hiệu đáng khích lệ mặc dù khách quốc tế đến với Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn.
Ông Dương Bá Hưng - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Topten Travel cho biết, lượng khách du lịch nội địa phát triển rõ rệt, đặc biệt những tour hướng biển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng hay tour đi Hạ Long… hút khách. Lựa chọn của khách hàng cũng có sự thay đổi. Khách du lịch đã chú trọng hơn đến các dịch vụ chất lượng cao khi lựa chọn. Đó là dấu hiệu chuyển dịch rõ ràng.
Chất lượng giảm sút
Từ những con số ấn tượng có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, du lịch nội địa đang là cứu cánh giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Các doanh nghiệp lữ hành chuyên khách nội địa đều hoạt động gần như hết công suất. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường du lịch nội địa đã xuất hiện nỗi lo về chất lượng khi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, nguồn nhân lực bị ảnh hưởng sau đại dịch...
Cũng theo ông Hưng, thời gian vừa qua đã xảy ra những trường hợp trang mạng quảng cáo và cam kết về chất lượng dịch vụ nhưng sau khi khách mua tour và sử dụng thì lại không như cam kết trước đó. Cùng với đó thời điểm mùa hè vừa qua đã xảy ra tình trạng quá tải dẫn tới dịch vụ giảm sút.
“Khi lựa chọn mua tour thì khách hàng cần phải xem xét lại đơn vị đối tác. Để nâng cao chất lượng, các điểm đến cần đầu tư về cơ sở hạ tầng và nhân sự. Cùng với đó, các cơ sở ban ngành cũng thường xuyên kiểm tra tiêu chí về chất lượng và các điểm đến phải cam kết để du khách được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất” - ông Hưng nhấn mạnh.
Băn khoăn về vấn đề này, Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng cho rằng, khi lượng khách tăng cao, đã lộ điểm yếu liên quan đến sự chuẩn bị của các điểm đến, của doanh nghiệp và cả ngành du lịch. Điểm yếu này xuất phát từ dịch bệnh kéo dài suốt gần 2 năm khiến nhân sự ngành du lịch thiếu hụt.
Thúc đẩy liên kết, nâng cao chất lượng
Theo các chuyên gia, các địa phương chỉ mới chú trọng quảng bá hút khách, xử lý khi có thông tin phản ánh dịch vụ “chặt chém”, còn lại thả nổi để thị trường tự điều tiết. Do đó, để điều phối luồng khách, quan trọng nhất phải có quy hoạch và thông tin luôn cập nhật, minh bạch.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, các địa phương trong khối liên kết tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Cũng theo ông Khánh, các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá… Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cần được chú trọng theo cơ cấu hợp lý bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập...
Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút trở lại nguồn nhân lực đã chuyển việc; tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ du khách; nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Để có hướng phát triển bền vững, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Công Hoan cho rằng, du lịch được xác định là ngành kinh tế xanh, phát triển bền vững. Do đó, đối với các địa phương đang là điểm “hot” của du lịch phải cân nhắc về việc đánh giá công suất điểm đến, có những biện pháp cảnh báo kịp thời cho du khách. Đồng thời, phải tính toán đến việc hoàn thiện hạ tầng du lịch, đảm bảo công suất tối đa phục vụ khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình:
Không nên đốt cháy giai đoạn
Sự tăng trưởng quá nóng, đôi khi làm hỗn loạn du lịch, dẫn đến chất lượng du lịch đi xuống, trong khi Việt Nam đang phấn đấu du lịch sang trọng, thu hút khách tiêu nhiều tiền. Một số tỉnh thành chạy theo số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng, doanh thu và lợi nhuận thu được. Tuy nhiên, điều này làm giảm đi vị thế của du lịch Việt Nam. Chúng tôi đã từng làm nhiều phong trào kích cầu du lịch song việc này chỉ giải quyết được khó khăn nhất thời. Giảm giá mãi thì đến một lúc sẽ không còn cái gì để giảm nữa, nên từ 2021, Hiệp hội bỏ chương trình kích cầu và tư duy rằng phải phát triển hợp lý về giá cả, để doanh nghiệp sống được và nâng cao chất lượng. Kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy, doanh thu du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi du lịch từ nguồn khách quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Do đó, Chính phủ sớm tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam nhiều hơn, thuận lợi hơn. Tiếp đến, ngành du lịch hướng đến thị trường khách mục tiêu. Trước đây, Việt Nam chỉ chăm chú vào các thị trường gần như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Tuy nhiên, sau Covid-19, mọi thứ đã thay đổi, đòi hỏi du lịch Việt Nam phải phát triển những thị trường mới.
Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong, CLB lữ hành UNESCO Phùng Xuân Khánh:
Nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử
Giao tiếp ứng xử giữa du khách với cư dân, du khách với đơn vị dịch vụ cũng là một phần tạo nên chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch. Hoạt động du lịch mang tính chất tổng hòa, với nhiều khách, nhất là khách quốc tế thì giao tiếp ứng xử sẽ để lại ấn tượng cho chuyến đi. Do đó, trong các chương trình đào tạo, cần chú trọng nâng cao năng lực giao tiếp song hành với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ. Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch phải cắt giảm nhân sự, nặng nề nhất là khối lưu trú, dịch vụ nhà hàng. Nhiều người đã chuyển nghề do thời gian nghỉ lâu. Nay khôi phục lại hoạt động du lịch, các đơn vị này đang phải tuyển mới nhân sự và vừa kết hợp với đào tạo theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Do đó, trong quá trình tập huấn Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội và Bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh du lịch là những tài liệu để công ty phổ biến tới nhân viên, hội viên. Tuy nhiên, việc đào tạo hướng dẫn cần có thời gian và ý thức của doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ.
Hoàng Minh(ghi)