Ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định nhấn mạnh việc trên trong chiều nay, 29/12 khi phát biểu, chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định tổ chức.
Theo ông Lê Quốc Chỉnh, công tác Tuyên giáo có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, thông suốt tư tưởng, do vậy cần luôn được chú trọng, làm tốt và đi trước.
“Tư tưởng không thông thì những việc khác không thể thông được và không thể làm gì được. Giống như ở trong nhà, chỉ cần bà vợ bà ấy không thông tư tưởng thì lấy đâu ra cơm ngon canh ngọt”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định liên hệ.
Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định lưu ý các cán bộ làm công tác tuyên giáo, dân vận của tỉnh phải chủ động, nhanh nhạy, nắm bắt diễn biến tình hình đời sống, tình hình nhân dân để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng.
“Bây giờ chỉ không làm gì, không đầu tư dự án gì để phát triển, không thu hồi gì thì nhân dân mới không có ý kiến, khiếu nại, khiếu kiện chứ còn càng làm nhiều thì khiếu nại, khiếu kiện càng nhiều, đó là quy luật. Vậy nên càng phải chủ động, tích cực thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách đúng đắn đến cán bộ, nhân dân để tạo sự đồng thuận”, ông nhìn nhận.
Thêm rằng: “Ngày xưa đất đai giá trị thấp, thừa kế gần như chỉ cho con trai, mà thường là ông cả, giờ cao rồi, tiền đền bù nhiều, con gái đi lấy chồng quay về bảo giờ quyền lợi con trai con gái bình đẳng như nhau, vậy là phức tạp hơn rồi, không khéo là có chuyện ngay, như cái việc 3 con gái đổ xăng đốt mẹ vừa rồi”.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Chỉnh, đến với nhân dân cán bộ phải có sự gần gũi, hòa đồng. “Tùy từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà ứng xử, khi làm con, khi làm cháu, khi làm anh, như gia đình. Phải hòa đồng, gặp người cao tuổi, hút thuốc lào thì phải cụ ơi cụ còn điếu nào không cho con xin điếu, ngồi xuống uống cùng bà con bát nước thì có gì mà bà con không đồng cảm, chia sẻ. Chứ đến với dân mà lại com lê, cà vạt, lại hút xì gà nữa thì hỏng rồi!”, ông nói.
Ông cũng lưu ý các cán bộ làm công tác tư tưởng ở Nam Định phải tích cực, chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thông tin trên không gian mạng; bản thân, gia đình, người thân phải làm gương trong việc này.
“Tôi không có Facebook nhưng thỉnh thoảng cũng thông qua Facebook của một số người thân để xem trên đó có gì. Xem thì thấy, giờ chuyện gì người ta cũng đưa lên mạng. Sao không đưa những hình ảnh đẹp đẽ như gặp gỡ bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, để qua đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tình bạn, tình đồng nghiệp, tình thầy trò, ví dụ thế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định nhìn nhận.
Đối với lĩnh vực báo chí, lãnh đạo Tỉnh ủy Nam Định cho rằng nhiều cán bộ có tâm lý ngại gặp, tiếp xúc với báo chí. “Nhưng không gặp, không tiếp xúc, không thông tin kịp thời, đúng, đầy đủ thì báo chí họ lấy đâu ra thông tin để phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận. Báo chí là của Đảng, của đoàn thể cơ mà!”, ông nhấn mạnh và đánh giá cao việc trong năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã dày công xây dựng bộ tài liệu, thông tin đầy đủ, toàn diện về chủ trương, mục đích của tỉnh khi thu hút Tổ hợp dự án Thép xanh của nhà đầu tư Xuân Thiện về đầu tư xây dựng tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thu hồi đất phục vụ việc triển khai dự án, cung cấp đầy đủ cho các cơ quan báo chí.
“Đất thu hồi thuộc diện đất bãi, do chính quyền địa phương quản lý, chỉ cho thuê ngắn hạn, giờ đã hết hạn hợp đồng, cần sử dụng vào việc khác với những mục tiêu, ý nghĩa lớn hơn thì chính quyền thu hồi lại chứ có gì đâu, hoàn toàn đúng pháp luật. Và như vậy thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để qua đó mọi người, mọi nhà cùng hiểu rõ, hiểu đúng để đồng thuận, thực hiện. Chứ lại cứ ngại, cứ không cung cấp thông tin, cứ bảo cứ đi về cơ sở đi thì không được”, ông nói.
Trước đó, hội nghị tổng kết đánh giá trong năm 2022, toàn ngành Tuyên giáo Nam Định đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và hướng dẫn của ngành dọc cấp trên, chủ động tham mưu giúp cấp ủy các cấp triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác tuyên giáo, đạt nhiều kết quả nổi bật. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các hoạt động tuyên truyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, các nhiệm vụ lớn, các nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm có hướng dẫn, đề cương tuyên truyền riêng phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tiếp tục được chỉ đạo triển khai nghiêm túc và đạt được kết quả tích cực.
Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức tốt hoạt động kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực Tuyên giáo. Việc cung cấp thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên được duy trì thường xuyên. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch được triển khai thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt là trên không gian mạng. Công tác quản lý, định hướng các cơ quan báo chí; hoạt động nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội; các nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị; lịch sử Đảng; công tác Khoa giáo tiếp tục có chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào hoạt động nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành đạt kết quả tích cực góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, tạo đồng thuận xã hội, hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.
Hội nghị cũng chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế của công tác Tuyên giáo; thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2023.
Tại hội nghị, 2 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể, 1 cá nhân được nhân Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cá nhân, tập thể khác được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.