Chiều 17/4, Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum về việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Nghị quyết liên tịch số 403).
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì buổi làm việc.
Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trung Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nghe Minh Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Thông tin tại buổi làm việc, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 1.000 cuộc giám sát và tham gia hơn 500 cuộc phản biện xã hội, góp ý một số dự thảo luật, pháp lệnh và các báo cáo, đề án trình cấp ủy; tổ chức 10 hội nghị phản biện và gửi 8 văn bản dự thảo để phản biện. Nội dung giám sát, phản biện cơ bản sát, đúng với những vấn đề mà đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận, làm rõ một số nội dung về các hình thức phản biện xã hội; vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội; việc phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong phân công, thực hiện giám sát, phản biện xã hội cũng như việc theo dõi, đôn đốc, xử lý kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội; công tác xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; vai trò của hội đồng tư vấn trong việc tham gia giám sát, phản biện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa khẳng định giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ông Hòa chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan nhìn thẳng vào sự thật, phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin, phục vụ tốt Đoàn kiểm tra của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, phát huy kết quả đã đạt được, tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn kiểm tra, nghiêm túc khắc phục các hạn chế, yếu kém được chỉ ra nhằm thực hiện tốt hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới.
Ông Hòa cũng đề nghị Đoàn công tác tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện, nhất là tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ để MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh phát huy vai trò, nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát và phản biện xã hội nói chung, hoạt động của Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật tỉnh nói riêng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Nghị quyết liên tịch số 403 để thống nhất về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục quan tâm, có giải pháp phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
* Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn làm việc tại huyện Đăk Hà.
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực và các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Hà.
Nội dung làm việc của Đoàn là kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT - UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (NQLT số 403) về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Kết quả, trong giai đoạn 2017 - 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Hà chủ trì tổ chức 16 cuộc giám sát chuyên đề với 16 nội dung tại 82 cơ quan, đơn vị. Các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã chủ trì tổ chức 30 cuộc giám sát chuyên đề với 30 nội dung tại 125 cơ quan, đơn vị. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã gửi 65 kiến nghị đến UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện xem xét, giải quyết. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp và các kiến nghị theo từng lĩnh vực, nội dung của Đoàn giám sát đã được các cơ quan, đơn vị được giám sát tiếp thu, giải trình và cơ bản khắc phục tồn tại.
Đối với công tác phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 10 hội nghị phản biện đối với các dự thảo chương trình, kế hoạch của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Đồng thời, tham gia phản biện bằng hình thức góp ý vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, các nội dung chính của công tác quy hoạch, giáo dục, y tế và các kế hoạch đảm bảo theo quy định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia thảo luận, làm rõ một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện NQLT 403 như: Công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì giám sát chưa chặt chẽ; nội dung giám sát chưa trọng tâm; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các nội dung đã kiến nghị sau giám sát, phản biện; việc phát huy quyền của nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong thực hiện NQLT số 403 trên địa bàn huyện Đăk Hà. Qua đó, đề nghị trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về NQLT số 403 để thống nhất về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp, chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội bằng các phương pháp giám sát, phản biện phù hợp.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với việc quy hoạch, bố trí cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm đối với công việc và các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.