Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Cần dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng chống thiên tai

Thái Nhung 21/04/2023 09:31

Chiều 20/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai (ƯPSCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Năm 2022 thiên tai diễn biến phức tạp

Theo báo cáo công bố tại hội nghị, năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; trong đó, cuối tháng 3-2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2022 là năm thiên tai diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện các hiện tượng cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, bão, áp thấp nhiệt đới. Thiên tai đã làm chết 12 người, 1 người bị thương, 100 nhà bị sập, 990 nhà bị hư hỏng, tốc mái...gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng... ước thiệt hại kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã thẳng thắn nhận xét, công tác PCTT vẫn còn một số bất cập, hạn chế; vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn trong khi thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường; thiệt hại về người do lốc, sét năm 2022 chiếm tỉ lệ lớn (59 người, chiếm 34%).

Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế và chưa phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, gây ngập sâu như tại Đà Nẵng ngày 14/10/2022 và tại Hà Nội, Vĩnh Phúc đợt mưa lũ cuối tháng 5/2022. Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ còn mang tính hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng, trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích tại cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại như: Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, công tác tìm kiếm cứu nạn, công tác dự báo, cảnh báo sớm... được thực hiện tốt. Công tác xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đảm bảo an toàn đê điều ​và ứng phó với xâm nhập mặn.

Dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác PCTT

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm để làm tốt hơn công tác PCTT trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,...; tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Cùng với đó, ngành yài nguyên và môi trường duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mới tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một quyết định điều chỉnh chung các quy trình vận hành liên hồ chứa...

Một số ý kiến đóng góp tại hội nghị như phải chọn lọc, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, có khả năng tạo ra đột phá cần tập trung thực hiện, từ đó xây dựng các kế hoạch, phương án đúng trọng tâm, trọng điểm, triển khai thực hiện có hiệu quả; đồng thời, tăng cường nhận thức của chính quyền các cấp và người dân chủ động PCTT; chủ động, quyết liệt và quyết đoán trong công tác chỉ đạo điều hành ứng phó; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ đê, nhất là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, song song với đó là đầu tư mua sắm các trang thiết bị, phương tiện đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng nhận định, thiên tai diễn biến ngày một cực đoan, khó lường hơn. “Trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, cộng đồng các địa phương đã rất trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Công tác phòng ngừa được chú trọng nhiều hơn. Việc tập huấn cũng đã sát hơn với thực tế. Công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến. Công tác ứng phó ngày một kịp thời. Việc khắc phục có sự tham gia của nhiều người, nhiều lĩnh vực hơn, trong đó có tổ chức quốc tế…”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tuy nhiên, vẫn còn đó 4 hạn chế. Đáng tiếc nhất là vẫn còn người chết và mất tích vì thiên tai. Bên cạnh đó, kế hoạch PCTT có nơi chưa sát thực tế, có nơi còn chủ quan. Công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thái thiên tai chưa có độ tin cậy cao. Khả năng chống chịu trên tổng thể của Việt Nam cũng yếu hơn trước đây, mà nguyên nhân lớn là đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai không tăng. Các bộ ngành, địa phương cần sẵn sàng tâm thế là công tác PCTT sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư chưa được cải thiện, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác PCTT. Đặc biệt là lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với phòng, chống thiên tai. Đồng thời, có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Cần dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng chống thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO