Sau nhiều giải pháp mạnh, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã đạt mục tiêu 3 giảm: giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết vì AIDS… Cùng với đó, một loại thuốc kháng virus HIV vừa được đưa vào thí điểm điều trị dự phòng lây nhiễm HIV dành cho những đối tượng nguy cơ cao. Nếu được dùng đều đặn, PrEP có thể sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV lên tới 92%.
Cơ quan chức năng tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.
Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV
Đây là một loại thuốc kháng virus HIV có chứa tenofovir (một nucleotid ức chế enzym phiên mã ngược trong điều trị HIV ở người trưởng thành). Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ việc sử dụng PrEP như một phần trong chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.
PrEP được giới thiệu cho các nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình của những người có H. Việc kê đơn dùng PrEP được thực hiện thí điểm từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018.
Loại thuốc này sẽ được dùng thí điểm tại Việt Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh, PrEP được cung cấp tại cả các phòng khám công là phòng khám thuộc Trung tâm y tế 24 quận, huyện; một số phòng khám tư và các doanh nghiệp xã hội do chính thành viên các nhóm cộng đồng vận hành như phòng khám Galant, Life…
Theo đó, trong tháng đầu tiên, người sử dụng thuốc được miễn phí hoàn toàn, đến tháng thứ 2 thuốc được bán với giá 750.000 đồng/hộp 30 viên. Hết thời gian thí điểm thuốc được bán với giá 1.500.000 đồng/hộp.
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, cùng với chương trình điều trị ARV đối với người nhiễm HIV và chương trình điều trị cho người phơi nhiễm đang được triển khai, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm này kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Thách thức lớn
Hiện cả nước đã phát hiện hơn 220.000 người nhiễm HIV. Nhóm tuổi nhiễm HIV chủ yếu từ 20 đến 40. TP Hồ Chí Minh là một trong những “điểm nóng” nhất cả nước về số người nhiễm HIV. Theo bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh, đến nay, toàn TP đã có 57.000 người nhiễm HIV và gần 11.000 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm hiện còn sống khoảng 46.000.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Sơn La là tỉnh có số người nghiện ma túy ở mức cao, do vậy bệnh nhân bị nhiễm HIV cũng tăng cao, với hơn 5.034 người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý. Nhằm hạn chế sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhận thức đầy đủ về căn bệnh HIV/AIDS, đồng thời tăng cường quản lý, giúp các gia đình có người nghiện giảm gánh nặng về kinh tế, tỉnh Sơn La đã triển khai tại 12 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và 8 cơ sở cấp phát thuốc methadone, điều trị cho 1.170 bệnh nhân.
Trong số 220.000 người nhiễm HIV hiện nay, khoảng 50% số người bệnh đang điều trị thuốc kháng virus (ARV); số thuốc này được cấp miễn phí cho người bệnh bằng nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Còn tại các tỉnh Tây Bắc tỷ lệ người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm và bao cao su đạt 58,9% (cao hơn mức bình quân cả nước là 37,4%). Công tác điều trị methadone được triển khai tích cực, với 91 cơ sở điều trị cho 15.385 bệnh nhân. Song tỷ lệ điều trị ARV ở mức thấp, với 51,6% số bệnh nhân AIDS...
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ giảm dần và đến giữa năm 2017 sẽ cắt giảm hoàn toàn. Đây là thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong số trường hợp nhiễm HIV đang còn sống, gần 30.000 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Lâu nay, kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của TP HCM chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ.
Năm 2017, nguồn tài trợ này bị cắt giảm hoàn toàn nên việc cấp phát thuốc điều trị ARV không còn miễn phí như trước, người bệnh sẽ phải thanh toán phần lớn chi phí điều trị. Trong khi đó, đa số bệnh nhân HIV thuộc diện nghèo, khả năng chi trả rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận và tuân thủ điều trị liên tục, từ đó khó kiểm soát được tình trạng kháng thuốc.
Tỉ lệ người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT còn thấp
Ngoài ra, một vấn đề nữa mà Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang băn khoăn đó là tỉ lệ người nhiễm HIV tham gia sử dụng thẻ BHYT hiện rất thấp. Trung bình toàn quốc tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT mới chỉ chiếm 40%. Chỉ riêng tại TP HCM, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, trong số khoảng 30.000 người nhiễm HIV đang điều trị thì chỉ mới 70% có thẻ BHYT. Mặt khác, hiện TP có 46 phòng khám tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân nhưng chỉ 20 đơn vị đủ điều kiện thanh toán BHYT.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh, hiệu quả. Đáng chú ý, trong số những người nhiễm HIV có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
Bơm kim tiêm, bao cao-su mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận….
“Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn cao, gây cản trở cho những người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Sau nhiều giải pháp mạnh, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã đạt mục tiêu 3 giảm: giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết vì AIDS…Tuy nhiên, để Việt Nam thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, vẫn rất cần những biện pháp can thiệp mang tính bền vững hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm, dẫn tới, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn cao, gây cản trở cho những người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS... |