Phòng khám Phước Thiện (thuộc Tổ đình Hưng Minh Tự - trụ sở Trung ương Giáo hội Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, trên đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, TP Hồ Chí Minh) mở cửa khám, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo từ năm 1961.
Theo Báo Lao động, ông Lê Đức Thắng - Tổng thư ký Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, cho biết phòng bệnh tại tổ đình Hưng Minh Tự là 1 trong 8 phòng khám miễn phí của giáo hội tại TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, giáo hội có 212 phòng khám miễn phí tương đương 212 hội quán ở 18 tỉnh, thành trên cả nước.
"Tất cả các phòng khám đều có giấy phép của Sở Y tế và nhân lực được đào tạo tại trung tâm của giáo hội", ông Thắng chia sẻ.
Tiêu chí của giáo hội là mỗi hội quán phải có 1 phòng chẩn trị y dược cổ truyền để chữa bệnh, phát thuốc miễn phí giúp người dân.
Theo báo Thanh niên, ngày trước, các phòng khám chủ yếu thu mua dược liệu từ người dân. 20 năm trở lại đây, diện tích dược liệu thu hẹp, giáo hội phải trồng thêm gần 40 ha ở các tỉnh miền Tây, sau đó phân phối đến các cơ sở để cấp thuốc miễn phí cho người bệnh.
Bà Trương Thị Phương Thanh, y sĩ phụ trách phòng khám tại tổ đình Hưng Minh Tự, cho biết phòng khám có 3 y sĩ châm cứu, 20 y sĩ khám, phát thuốc cùng sự hỗ trợ của nhiều người làm công quả. Tại phòng khám trung bình có trên 200 cây dược liệu phổ biến như: cây đậu xanh, cây dâu tằm ăn, nhãn lồng, rau mơ, rễ chanh, diếp cá, húng lủi, ngải cứu, ích mẫu, đinh lăng… lúc nào cũng có sẵn.
"Phòng khám mở cửa từ 7 - 11 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần, thứ hai đóng cửa để chuẩn bị thuốc. Mỗi ngày, phòng khám đón 500 người bệnh đến thăm khám và 130 lượt châm cứu, cuối tuần còn đông hơn nữa. Bất kể là ai, từ đâu đến, hoàn cảnh thế nào… chúng tôi đều không lấy tiền", bà Thanh cho hay.
Ngoài các y sĩ làm việc trực tiếp với người bệnh, tại đây cũng có nhiều người được phân công nhiệm vụ tại khu trồng dược liệu mẫu, khu bào chế. Bên trong phòng khám, 3 dãy ghế chờ luôn kín người, phía ngoài, các dãy ghế đá cũng có đông đảo người chờ tới lượt vào khám, nhận thuốc.