Trong bối cảnh mùa hè đang tới gần, các chuyên gia dự báo, dưới tác động của thời tiết nắng nóng, số người phải nhập viện vì đột quỵ có nguy cơ tăng cao.
Trẻ hóa bệnh nhân mắc đột quỵ
Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc đột quỵ mới, trong đó có tới 50% tử vong. Một nửa bệnh nhân còn lại thì có tới 92% mắc di chứng về vận động, 68% di chứng vừa và nhẹ, 27% di chứng nặng, 92% người bệnh liệt nửa người đang sống tại gia đình và cộng đồng vẫn cần luyện tập phục hồi chức năng.
BSCKII Trần Văn Sóng - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 thông tin: Mỗi ngày, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận trung bình 350 ca, trong đó riêng đột quỵ chiếm từ 40 - 50 ca. Chỉ trong năm 2024, bệnh viện tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ, nhiều nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục rơi vào tình trạng quá tải vì tiếp nhận khoảng 50 - 60 ca đột quỵ mỗi ngày. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Khoa Thần kinh – Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) khi lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, cơ sở y tế này tiếp nhận điều trị 6.397 bệnh nhân đột quỵ, trong quý đầu năm năm 2025 có 1.212 bệnh nhân đột quỵ.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, nếu như trước đây, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên thì hiện nay, bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm.
Bệnh viện Quân y 103 vừa tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi đột quỵ não. Khai thác tiền sử, người nhà cho biết trên đường đi học về, trẻ có biểu hiện đau đầu đột ngột dữ dội, choáng rồi ngã. Nhận thấy có những dấu hiệu bất thường nên gia đình đưa ngay trẻ vào nhập viện. Tại cơ sở y tế, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị đột quỵ não với tình trạng vỡ phình mạch não, xuất huyết dưới nhện. Bệnh viện Xanh Pôn cũng vừa tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi nhập viện vì đột quỵ.
PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, Trung tâm cũng từng điều trị nhiều bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, trong đó có cả trẻ em dưới 15 tuổi. Như trường hợp bệnh nhi 9 tuổi khi đang đi học, bé đột ngột yếu tê bì nửa người bên trái, được đưa vào viện tỉnh cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính chưa phát hiện tổn thương nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não. Thực tế cho thấy, bất kể ai, dù cao tuổi hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào.
Nguy cơ gia tăng
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã bước vào mùa nắng nóng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yếu tố thời tiết có liên hệ mật thiết tới sự gia tăng của bệnh nhân mắc đột quỵ.
BS Nguyễn Phương Trang - Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho hay: Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não chiếm đa số. Nắng nóng khiến nền nhiệt cơ thể tăng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, gây mất nước, kiệt sức, làm máu đặc lại dễ tạo cục máu đông. Các cục máu đông di chuyển gây tắc mạch dẫn đến nhồi máu não hoặc làm thành mạch kém bền vững, huyết áp quá cao gây vỡ mạch.
Do đó, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, mùa hè là cao điểm nắng nóng, nhiệt độ lên cao là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là người già và người mắc bệnh mạn tính. Những đối tượng trên nên hạn chế ra ngoài đường khi nắng gắt, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn khi trời đã dịu mát.
Để phòng tránh những nguy cơ bị đột quỵ trong thời tiết nắng nóng, việc tầm soát sức khỏe là rất quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…, người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích, hoặc trong gia đình có người thân trực hệ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ não sớm trước 55 tuổi (đối với nam) và trước 65 tuổi (đối với nữ).
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Hướng - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội):
Nhận biết sớm để không lỡ “thời gian vàng”
Việc nhận biết sớm cơn đột quỵ và đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng” là rất quan trọng. Ngoài ra, cơn thiếu máu não thoáng qua cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ mà người dân cần lưu tâm.
Do xảy ra trong thời gian ngắn, đôi lúc chúng ta chủ quan và hay nhầm lẫn với các bệnh khác như hạ huyết áp, động kinh, rối loạn điện giải. Khi đã xảy ra đột quỵ thiếu máu não thoáng qua thì đó là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thực sự, cần phải đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để điều trị sớm.