Phòng sạt lở đất bằng cỏ Vetiver

G. Bảo 21/08/2021 10:00

Đó là ý tưởng đang được triển khai bởi Dự án Rễ, thuộc Đội Thanh niên Tình nguyện Sông Mã.

Dự án hình thành từ tháng 4/2018 và thực hiện trực tiếp trên địa bàn xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Trải qua thời gian thử nghiệm, Dự án đã đạt được những thành công bước đầu: Cỏ Vetiver cho khả năng giữ đất đạt tới 90-95%, giúp giảm thiểu tình trạng sạt lở đất…

Theo chia sẻ từ Dự án: Với việc có thể bám sâu từ 0,5 tới 1 mét trong 3 tháng trồng đầu tiên và có thể đạt được độ dài từ 2 đến 4 mét trong 2 năm, Vetiver chính là một giải pháp tối ưu cho tình trạng mưa lũ sạt lở đất khi rễ của cỏ như những chiếc cọc đâm chặt vào đất tạo thành một rào cản vô cùng ổn định mái dốc. Ngoài ra, Vetiver còn là một giải pháp rất thân thiện với môi trường khi cỏ có thể dùng để cải tạo đất, giảm ô nhiễm đất và nước, bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho các cây được trồng cùng với nó. Với giá thành không cao và cách trồng tương đối giống với một số loại cây nông nghiệp khác, Vetiver là một giải pháp có chi phí rẻ và dễ thực hiện với điều kiện kinh tế khó khăn của người dân địa phương.

Qua hơn 3 năm hoạt động, Dự án Rễ đã trồng gần 33 nghìn tép cỏ tại 7 địa điểm xung yếu, diện tích khoảng 1.900 mét vuông. Hiện nay tại các khu vực này đã không còn dấu hiệu sạt lở do các mùa lũ cho đến tháng 11/2020 và chất lượng đất được cải thiện rõ rệt sau khi trồng cỏ.

Thời gian tới, nối tiếp những kết quả đã đạt được, nhóm dự án cho biết sẽ khởi động kế hoạch nghiên cứu và thực hiện trồng kết hợp Vetiver và một số loại cây khác để vừa đem lại lợi ích chống sạt lở vừa có thể giúp người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ tiến hành các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân với cỏ Vetiver. Với phương châm để người dân có thể bảo hộ mình, Dự án Rễ hướng tới xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ để người dân chủ động hơn, tự trồng và chăm sóc cỏ khi không có thành viên dự án tại địa phương, nhất là khi tình trạng mưa lũ diễn ra ngày càng bất thường. Từ đó, bước dầu tạo dựng lại hệ sinh thái và phát triển một nền nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Một thành viên của Dự án chia sẻ: Trong chuyến đi tiền trạm vào tháng 3 vừa rồi, chúng tôi đã tình cờ bắt gặp hình ảnh người dân đi cắt cỏ Vetiver về cho gia súc ăn. Mọi người trong nhóm đều ngạc nhiên và thích thú. Từ những ngày đầu trồng cỏ Vetiver tại La Pán Tẩn, đây là loài cây mà người dân được coi là “thứ cây xa lạ” vì từ trước tới nay, họ đã quá quen thuộc với cây cỏ voi- một loại cây được người dân trồng rất nhiều để làm thức ăn cho trâu, bò.

Dự án đã rất cố gắng tiếp cận người dân trong thời gian dài để có thể chia sẻ những lợi ích rất tuyệt vời của cỏ Vetiver. Ngoài công dụng hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đây cũng là nguồn thức ăn cho động vật rất tốt bởi hàm lượng dinh dưỡng trong loài cây này ở mức cao và cao nhất là khi còn non, tức là khi được cắt định kỳ 1-1,5 tháng. Đặc biệt hơn, về mùa Đông, khi các loại cỏ khác kém phát triển (thậm chỉ có nhiều loại cỏ chết rụi cho đến tận mùa Xuân năm sau mới phát triển trở lại) thì cỏ Vetiver vẫn phát triển được và trở thành nguồn thức ăn bổ sung quý giá cho gia súc…

Nhóm Dự án cho biết: Về kết quả nghiệm thu cỏ tại các điểm trồng, nhìn chung, đến nay cỏ Vetiver vẫn đang phát triển tốt. Do đang bước vào mùa mưa nên cỏ Vetiver mọc rất cao lá xanh mướt. Khả năng giữ đất đã đạt tới 90-95%...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng sạt lở đất bằng cỏ Vetiver

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO