Tối 20/10, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Tới dự Lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thuỷ; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn.
Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ - vùng đất bộ Văn Lang - Trung tâm thời các Vua Hùng dựng nước, Thanh Sơn được người Việt khai phá và định cư từ rất sớm. Nhiều hiện vật khảo cổ từ thời Lý - Trần có niên đại hàng nghìn năm (đặc biệt là 58 chiếc trống đồng có niên đại từ 200 năm đến trên 2.500 năm), chứng tỏ sự có mặt liên tục của các thế hệ người Việt trên vùng đất này.
Huyện Thanh Sơn có từ thời Minh Mạng (1833) cho đến nay đã tròn 190 năm. Theo dòng lịch sử, Thanh Sơn đã nhiều lần được điều chỉnh về địa giới hành chính.
Trước Cách mạng tháng Tám (1945) Thanh Sơn có 5 tổng/32 thôn. Sau Cách mạng có 37 xã. Hiện toàn huyện có trên 13 vạn người với 32 dân tộc chung sống; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 61,4%, sinh sống ở 22 xã, 1 thị trấn/263 khu dân cư.
Nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng, có vị trí chiến lược nối liền Tây Bắc với đồng bằng Bắc bộ, lịch sử vùng đất này đã ghi danh nhiều võ tướng và sự kiện đấu tranh chống giặc như Bà Chúa Ong, Nữ tướng thời Hai Bà Trưng chống quân Hán; Đại tướng quân người xã Văn Lung thời nhà Trần đánh giặc Nguyên; Tướng Đinh Công Mộc thời nhà Lê đánh quân Minh; Tướng Nguyễn Quang Giá thời Tây Sơn đánh đuổi quân Thanh.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Thanh Sơn là căn cứ chống Pháp của tướng Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đình Ngữ (Đốc Ngữ)... Đặc biệt, phong trào chống Pháp dưới sự lãnh đạo của các hào lý, thủ lĩnh người địa phương như: Lý Ba, Cai Bút, Quản Chảng, Trùm Vun... kéo dài hàng chục năm, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuối năm 1944, những thanh niên ưu tú đầu tiên của huyện được kết nạp vào Việt Minh. Đầu năm 1945 tổ chức Việt Minh của Thanh Sơn được thành lập.
Khi quân Pháp chiếm đóng nhiều nơi trong huyện, cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Thanh Sơn mới được thành lập còn rất mỏng, cán bộ chủ chốt hầu hết do cấp trên tăng cường. Nhưng dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, nhân dân có truyền thống yêu nước và giác ngộ cách mạng cao, cơ sở chính trị vững vàng... Thanh Sơn đã trở thành căn cứ đứng chân của nhiều cơ quan của Trung ương, của tỉnh Sơn La, Sơn Tây và một số đơn vị bộ đội chủ lực. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng người dân Thanh Sơn đã ủng hộ bộ đội, cơ quan và nhân dân các nơi đến sơ tán hàng trăm con trâu, bò và hàng trăm tấn thóc.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Thanh Sơn đã chiến đấu ngoan cường, bảo vệ vững chắc hậu phương, tiễn chân 1.136 thanh niên lên đường nhập ngũ. Bằng vũ khí thô sơ, lòng quả cảm và ý trí quyết tâm, lực lượng vũ trang của huyện đã tổ chức 153 trận đánh độc lập diệt 316 tên giặc, bắt sống 83 tên, thu nhiều vũ khí. Nhiều trận đánh tiêu biểu đã đi vào nghệ thuật chiến tranh du kích và binh vận, như trận Rè Chỏi (Khả Cửu), trận Thu Cúc, trận Cửa Hẹ (Tân Minh)...
Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, hơn 10.000 thanh niên Thanh Sơn lần lượt lên đường nhập ngũ, hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm được gửi ra cho tiền tuyến.
Với những đóng góp xuất sắc đó, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến các loại.
Nhiều năm qua, An ninh Quốc phòng địa bàn huyện luôn được giữ vững, kinh tế - xã hội có sự tăng trưởng khá, các chính sách đối với đồng bào miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả cao. Chỉ tính trong 20 năm (2002 - 2022) tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 60 lần (bình quân 7,7%/năm, riêng năm 2022 đạt trên 207 tỷ đồng); đến giữa năm 2023 toàn huyện đã có 6 xã, 129 khu đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhiều dự án được đầu tư và đi vào sản xuất đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các tuyến giao thông nội bộ, giao thông đối ngoại được nâng cấp, cải tạo và đầu tư xây dựng mới. Các thiết chế hạ tầng văn hoá - xã hội được cải tạo và được đầu tư xây dựng đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho Thanh Sơn.
Năm 2003, dịp Kỷ niệm 170 năm thành lập huyện, Thanh Sơn vinh dự được Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2009, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2013, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2022, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương lao động hạng Nhất.
Hành trình cùng lịch sử của toàn Đảng và dân tộc, dù trải qua thăng trầm nhưng Thanh Sơn vẫn luôn là một khối đoàn kết thống nhất, không phân biệt giữa người đa số với người dân tộc thiểu số, người đến định cư trước với người đến sau, tính cách người Thanh Sơn là sự pha trộn giữa sự khảng khái và hào phóng của người miền núi với tính cần cù, quyết tâm vượt khó của cư dân đồng bằng... Tính cách đó, tinh thần đó được hun đúc thêm từ truyền thống 190 năm huyện Thanh Sơn Anh hùng.