Phú Thọ: Loạn bến bãi hoạt động trái phép, ai sẽ xử lý?

Ngô Hùng 16/08/2023 07:26

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tại Phú Thọ hiện có nhiều bến bãi không phép, hết phép nhưng vẫn hoạt động.

Hoạt động bất chấp…

Đầu năm nay, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần thương mại Quang Huy (Công ty Quang Huy) thực hiện dự án Bến bãi bốc xếp hàng hoá và tập kết vật liệu xây dựng tại khu 5, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh. Ngày 31/3, Công ty này được giao đất thực hiện dự án trên, và đến ngày 26/5 thì Công ty ký hợp đồng thuê đất.

Bến bãi của Công ty Quang Huy mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất...
Bến bãi của Công ty Quang Huy mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất...

Việc bến bãi hoạt động cần rất nhiều thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, cầu cảng, đường thuỷ nội địa… Nhưng giai đoạn các thủ tục trên chưa được chấp thuận thì Công ty Quang Huy vẫn “xé rào” hoạt động, bất chấp các quy định hiện hành.

Đầu tháng 8, phóng viên đã ghi nhận tình trạng hoạt động bốc xếp hàng hoá tại đây. Ông Nguyễn Xuân Hà - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Quang Huy thừa nhận: Hiện Công ty vẫn chưa có giấy phép hoạt động. Việc bốc xếp hàng hoá trong khi chờ thủ tục là để trữ hàng. Công ty sợ khi có đủ thủ tục thì nước sông cạn, tàu thuyền không cập được bến sẽ không có hàng để kinh doanh.

Cũng theo ông Hà, trước đây là bến của hộ gia đình kinh doanh. Theo chủ trương của Ủy ban tỉnh thì phải chuyển sang doanh nghiệp. “Việc yêu cầu hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp để hoạt động bến bãi chỉ có Phú Thọ thực hiện, trong khi các tỉnh khác thì không. Lãnh đạo tỉnh cho biết đây là chủ trương đã được HĐND thông qua. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng chấp hành. Sau khi có chủ trương đầu tư, giao đất, Công ty đã làm hồ sơ về bến thuỷ nội địa và các thủ tục liên quan hoạt động gửi cơ quan chức năng, nhưng nay chưa nhận được phản hồi”, ông Hà cho biết thêm.

... Nhưng đã tổ chức hoạt động bốc xếp. (Ảnh cắt từ clip ngày 10/8)
... Nhưng đã tổ chức hoạt động bốc xếp. (Ảnh cắt từ clip ngày 10/8).

“Bến bãi này mới được giao đất. Xã sẽ có thông báo cho Công ty tạm dừng hoạt động. Nếu cố tình sẽ lập biên bản xử phạt, đồng thời báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý”, ông Lê Xuân Kết - Chủ tịch UBND xã Tiên Du nói với phóng viên.

Hiện xã Tiên Du có 6 bến bãi đang hoạt động khi giấy phép đã hết hạn. Có bến hết hạn từ năm 2015, có bến hết hạn năm 2019, còn bến Công ty Quang Huy (trước là bến Hà Hoa) đã hết hạn từ ngày 6/7/2017.

Bến bãi trên đất nông nghiệp

Tại xã Hùng Lô (TP Việt Trì), theo ông Nguyễn Hữu Ích, Chủ tịch UBND xã, hiện tại không có bất cứ một đơn vị, tổ chức nào được cấp phép hoạt động bến bãi, sản xuất cát sỏi. Tuy nhiên, ông Ích cũng thừa nhận có hoạt động bến bãi trên đất nông nghiệp.

Khu bến bãi trên đất nông nghiệp của Công ty Thường Xuyên dù đã bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động.
Khu bến bãi trên đất nông nghiệp của Công ty Thường Xuyên dù đã bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động.

Ngày 1/1/2018, UBND xã Hùng Lô ký hợp đồng với ông Nguyễn Xuân Thường (đại diện Công ty TNHH Thường Xuyên, trú tại khu 4, xã Hùng Lô) với diện tích 15.000m2 để sản xuất nông nghiệp. Ngày 31/12/2021, hợp đồng hết thời hạn. Ngày 15/8/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Thọ đã thanh kiểm tra tại bến thủy nội địa Công ty Thường Xuyên. Đến ngày 20/8/2022, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II đã ra Quyết định xử phạt ông Nguyễn Xuân Thường 70 triệu đồng về hành vi khai thác bến thủy nội địa khi chưa được cấp phép. Tiếp đến, ngày 2/6/2023, UBND xã Hùng Lô phối hợp với Đội công an kinh tế TP Việt Trì tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 10/7/2023, xã Hùng Lô có báo cáo gửi UBND TP Việt Trì về kết quả kiểm tra việc Công ty Thường Xuyên tập kết trái phép nguyên vật liệu, bốc xếp hàng hóa trên đất nông nghiệp. Đến ngày 13/7/2023, thành phố có kế hoạch kiểm tra xử lý vi phạm đối với các hoạt động liên quan đến bến bãi bốc xếp hàng hóa trên địa bàn TP Việt Trì.

“Ngoài chỗ Công ty Thường Xuyên, UBND xã cũng cho hộ ông Nguyễn Đức Thìn thuê đất sử dụng sản xuất nông nghiệp ở khu 2. Hiện tại hộ ông Thìn lại thuê máy móc san gạt và tập kết cát sỏi ở khu vực này và cũng nhiều lần bị thanh kiểm tra”, ông Ích cho biết thêm.

Việc để bến bãi hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp mà xã cho thuê, lãnh đạo xã Hùng Lô cần phải chịu trách nhiệm.
Bến bãi hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp.

Đầu tháng 8/2023, khi thấy bến bãi không phép hoạt động, phóng viên liên hệ thì ông Nguyễn Hữu Ích cho biết: Kiểm tra, xử lý nhiều lần rồi, đi mà hỏi doanh nghiệp.

“Đầu tiên đơn vị thuê đất làm lò gạch, sau chuyển sang bãi tập kết vật liệu, năm 2017, tỉnh có chủ trương đầu tư làm bến bãi nhưng về sau lại không cho vì phải thông qua đấu giá. Năm 2022, do đã nhận một số đơn hàng nên đơn vị vẫn bốc hàng, sau khi Cảng vụ đường thuỷ kiểm tra xử lý thì không thực hiện nữa”, ông Nguyễn Xuân Thường nói. Tuy nhiên, khi phóng viên cho biết cuối tháng 7, đầu tháng 8 vẫn ghi nhận có việc hoạt động thì vị này cho hay, việc vận chuyển khả năng vẫn có vì đơn vị ký hợp đồng với người khác, chắc là họ vận chuyển nốt hàng hoá trên bãi.

Ngày 10/8, Sở Giao thông vận tải Phú Thọ có văn bản về việc tăng cường công tác hoạt động bên thuỷ nội địa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đê điều, lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh gửi các cơ quan chức năng. Theo văn bản này, chỉ tỉnh riêng TP Việt Trì, huyện Phù Ninh, Đoan Hùng hiện nay có 24 bến bãi không phép và 29 bến bãi hết phép nhưng vẫn hoạt động.

Trước đó, ngày 5/6, 30/6 và 20/7, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, hoạt động liên quan đến bến, bãi bốc xếp hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phú Thọ: Loạn bến bãi hoạt động trái phép, ai sẽ xử lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO