Trang Phys.org đưa tin một nhóm chuyên gia khảo cổ người Anh vừa công bố khuôn mặt được phục hiện của một phụ nữ Neanderthal được cho là từng sống cách đây 75.000 năm.
Giáo sư Emma Pomeroy (Đại học Cambridge) cho biết, “khuôn mặt” này được đặt tên là Shanidar Z theo tên hang động tại vùng Kurdistan ở Iraq, nơi hộp sọ được tìm thấy vào năm 2018 trong một ngôi mộ an táng dưới một khối đá khổng lồ với khoảng 40 thi hài phụ nữ Neanderthal.
Kết quả nghiên cứu cho rằng người Neanderthal cuối cùng đã chết một cách bí ẩn vào khoảng 40.000 năm trước. Hộp sọ của Shanidar Z đã bị đè bẹp có thể do một tảng đá rơi sau khi người này qua đời.
Shanidar Z là thi thể thứ 5 được xác định trong cụm bị chôn vùi trong ít nhất vài trăm năm ngay sau tảng đá ở trung tâm hang động. Các nhà khảo cổ tin rằng, khối đá được sử dụng như một cột mốc giúp người Neanderthal quay trở lại vị trí cũ để chôn cất người chết.
Trước đó, phần dưới bộ xương của người phụ nữ cổ đại đã được phát hiện vào năm 1960, trong cuộc khai quật mang tính đột phá của nhà khảo cổ học người Mỹ Ralph Solecki, khi ông tìm thấy hài cốt của ít nhất 10 người Neanderthal.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc nghiên cứu đã trì trệ trong hơn 50 năm, trước khi một nhóm từ Đại học Cambridge và Đại học Liverpool John Moores được phép quay lại địa điểm ở vùng núi Zagros phía bắc Iraq.
Những bí ẩn về người Neanderthal luôn thu hút giới khoa học, trong đó có chuyên gia Lucia Lopez - Polin. Vị tiến sĩ này từng ghép hơn 200 mảnh sọ lại với nhau để thực hiện việc tái tạo khuôn mặt cho bộ phim tài liệu “Bí mật của người Neanderthal”.
Vậy, tại sao Neanderthal tuyệt chủng? Chuyên san Palaeo Anthropology đã đăng tải báo cáo phân tích về giả thuyết cho thấy kể từ khi quan hệ tình dục với tổ tiên “loài người Tinh khôn”, người Neanderthal giảm đi hoạt động giao phối trong nội bộ cộng đồng. Dựa trên dữ liệu gene di truyền, hai loài người (Neanderthal và người Tinh khôn) đã “tiếp xúc thân mật” sau khi người Tinh khôn rời khỏi châu Phi khoảng 250.000 năm trước.
Giáo sư Chris Stringer (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, Anh) cho biết, nhóm của ông đã đưa ra giả thuyết trên sau thời gian dài nghiên cứu và phân tích về người Neanderthal. Trước khi hai loài người gặp nhau, người Tinh khôn sinh hoạt trong môi trường riêng biệt ở châu Phi suốt khoảng 400.000 năm. Trong khi đó người Neanderthal sinh sống khắp châu Âu và châu Á cho đến khi hoàn toàn biến mất cách đây 40.000 năm.
Giáo sư Stringer còn cho rằng, dường như việc “ghép đôi” chỉ diễn ra thành công giữa đàn ông Neanderthal và phụ nữ người Tinh khôn. Tuy nhiên, giả thuyết này tới nay vẫn chưa nhận được sự tán đồng rộng rãi của giới khoa học.