Phục hồi rừng dừa nước

Trịnh Viết Nhu 05/12/2017 16:50

Rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An-Quảng Nam) có đầy đủ đặc trưng của kiểu rừng ngập mặn, là vùng đệm quan trọng của Khu sinh quyển Cù lao Chàm nhưng đang đối mặt với sự biến động lớn.


Du khách tham gia trồng dừa nước bảo vệ môi trường.

Nằm cách TP Hội An hơn 4 km về phía Đông Nam, Cẩm Thanh được ví như một “Nam Bộ trong lòng phố Hội” vì ở đây cây dừa nước phát triển tốt, giúp nhiều người dân “sống được”.

Rừng dừa Bảy Mẫu nằm trên địa bàn các thôn Vạn Lăng, Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, Cồn Nhàn; đồng thời được bao bọc bởi sông nước nên rất thuận lợi cho phát triển chiến tranh du kích, trú ẩn.

Ngày 10/1/2008 rừng dừa Bảy Mẫu được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa, để đưa vào quản lý, đầu tư và bảo vệ. Đồng thời để có cơ sở phát huy, khai thác giá trị lịch sử, tháng 9/2009 UBND tỉnh Quảng Nam công nhận rừng dừa Bảy Mẫu là điểm du lịch để định hướng và tập trung đầu tư, phát triển du lịch dịch vụ, nền tảng vừa là khu di tích lịch sử văn hóa, vừa là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm.

Quá trình phát triển du lịch nhanh cũng kéo theo nhiều tác động tới hệ sinh thái của rừng dừa nước Cẩm Thanh. Cụ thể như việc một số hộ dân bất chấp khai thác, phá hoại rừng dừa để làm quà lưu niệm cho du khách… Trước đây, mỗi năm người dân chỉ thu hoạch dừa nước hai lần. Nhưng ngày nay tình trạng “tận thu” cây dừa nước xảy ra khiến khả năng phục hồi của dừa nước giảm đi nhiều. Người dân xã Cẩm Thanh cho biết, ngày trước, nếu không ươm trồng thì bản thân cây dừa nước khi cho trái già, tự rụng xuống nước cũng có thể mọc cây con, rừng dừa nước tự bổ sung cá thể tự nhiên. Nay, người dân không chú trọng trồng và bảo vệ, lại khai thác trái cạn kiệt khiến rừng dừa ít tái sinh cây con, nguồn giống bản địa khan hiếm.

Bên cạnh đó, hiện nay, dừa nước Cẩm Thanh cũng có nguy cơ suy thoái do người dân chuyển đổi thành các hồ nuôi tôm và nước biển dâng, phục vụ du lịch và ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc trồng, phục hồi rừng dừa nước trở nên cấp bách.

Nhận ra tình trạng nguy cấp của cây dừa nước có thể ập đến, ảnh hưởn tới hệ sinh thái, ngay từ năm 2010, thành phố Hội An và xã Cẩm Thanh đã lập kế hoạch phát triển du lịch để định hướng đầu tư và xúc tiến mạnh công tác quảng bá du lịch khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu để thu hút khách đến, với sản phẩm du lịch chủ đạo là: du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường….

Đặc biệt, hồi giữa năm nay, tour trồng dừa nước bảo vệ môi trường cũng đã được tổ chức. Theo đó, tham gia tour du lịch trồng dừa nước, du khách sẽ đến rừng dừa Bảy Mẫu, ngay gần cửa biển Cửa Đại. Tại đây, nhân viên của công ty du lịch đã chuẩn bị sẵn dừa non để du khách trồng. Việc trồng dừa nước của du khách diễn ra trong khoảng 30 phút. Một số du khách cho rằng, đây là tour du lịch rất thiết thực, vì du khách vừa du lịch vừa trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường.

Được biết, đây là một trong những sản phẩm nằm trong hoạt động của dự án “Sử dụng bền vững vùng đất ngập nước dừa nước Cẩm Thanh” do Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với UBND xã Cẩm Thanh và JackTran Tours tổ chức dưới sự tài trợ của tổ chức “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) nhằm hướng đến cộng đồng trách nhiệm, nâng cao ý thức người dân, thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái địa phương theo hướng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện ở Hội An đang triển khai nhiều chương trình du lịch sinh thái trên nguyên tắc phát triển du lịch thân thiện với môi trường, cộng đồng cùng hưởng lợi, phát triển du lịch bền vững… Chẳng hạn như tour du lịch khám phá rừng dừa nước Bảy Mẫu; tour du lịch nhặt rác, bảo vệ môi trường; du lịch cưỡi trâu trồng lúa, làm ruộng; du lịch làm nông dân khám phá làng nghề… Việc đưa tour du lịch trồng dừa nước vào khai thác là bước đi góp phần làm tăng thương hiệu du lịch sinh thái mà Quảng Nam đang hướng đến.

“Duy trì tốt tour này không chỉ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch cho thành phố và sinh kế cho người dân sở tại mà còn góp phần vào mục tiêu có ý nghĩa lớn hơn là “nới” rộng diện tích rừng dừa, giảm nhiễm mặn và xói lở sâu vào bên trong khu vực nối liền cuối sông, cửa biển ở Hội An” - ông Hùng khẳng định.

Bên cạnh những hoạt động phục hồi và trồng mới dừa nước, theo thông tin từ UBND xã Cẩm Thanh, bắt đầu từ ngày 1/12, du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu sẽ phải mua vé với giá là 30.000 đồng/khách. Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 21 về việc qui định thu phí tham quan rừng dừa. UBND xã Cẩm Thanh cũng cho biết, quyền lợi của du khách khi mua vé tham quan: Được tham quan khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh; thưởng ngoạn cảnh quan, hệ sinh thái vùng ngập mặn cửa sông ven biển; khu sản xuất và trưng bày nghề truyền thống tre dừa; được xem trình diễn vãi chài và các hoạt động khác; được sử dụng nhà vệ sinh và được đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình tham quan…

Được biết, khu vực tổ chức bán vé tham quan gồm: thôn Thanh Tam Tam Đông, thôn Vạn Lăng, thôn Thanh Nhứt, thôn Cồn Nhàn, thôn Thanh Tam Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi rừng dừa nước