Đô thị

Phương án di chuyển trụ sở cơ quan, bố trí tái định cư thực hiện dự án cải tạo khu vực hồ Hoàn Kiếm

Quốc Thanh 19/03/2025 15:29

Hà Nội đã có phương án bố trí trụ sở các cơ quan, đơn vị cũng như cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân thuộc diện di dời để thực hiện dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang một số khu vực quảng trường, không gian công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đảng ủy UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo Thường trực Thành ủy về việc triển khai nghiên cứu quy hoạch, đầu tư cải tạo chỉnh trang một số khu vực quảng trường, không gian công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Báo cáo nêu rõ việc di chuyển các trụ sở cơ quan, đơn vị trong khu vực và cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, có 47 chủ sử dụng nhà đất trong khu vực thực hiện dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm, gồm 12 tổ chức, cơ quan đơn vị và 35 hộ dân.

Trong đó, 12 tổ chức, cơ quan, đơn vị phải di dời gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Viện Văn học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Chi cục Dân số Hà Nội, Hội Người mù Hà Nội, Văn phòng giao dịch Kho bạc Nhà nước, Khách sạn Điện lực, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (Công ty truyền tải điện số 1), Trụ sở Ban tiếp Công dân thành phố và 2 hợp tác xã hiện là nhà chuyên dùng.

Cụ thể, trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao: Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch thành liên cơ quan tại 38 phố Hai Bà Trưng; đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng quy mô đủ cho 2 cơ quan. Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo khu trụ sở 38 phố Hai Bà Trưng, bố trí tạm cư tại Khu liên cơ Võ Chí Công hoặc khu vực gần trụ sở UBND thành phố.

Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội tại số 34 Lý Thái Tổ sẽ được Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Văn phòng UBND thành phố đề xuất bố trí địa điểm mới, đảm bảo khang trang, thuận lợi cho công tác tiếp công dân, trước khi di chuyển. Ảnh: Quốc Thanh.
Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội tại số 34 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Quốc Thanh.

Trụ sở Viện Văn học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Người mù Hà Nội, Chi cục Dân số Hà Nội: Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính rà soát quỹ nhà đất của thành phố (công sản có khuôn viên, nhà biệt thự cũ) để bố trí cho các đơn vị.

Trụ sở Tiếp công dân thành phố: Giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính nghiên cứu địa điểm tại 102 phố Hai Bà Trưng (trụ sở của Ban Quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp và cấp thoát nước thành phố) để bố trí trụ sở làm việc của Ban Tiếp công dân thành phố.

Trụ sở Điện lực Hoàn Kiếm: Thống nhất báo cáo, đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm về việc bố trí tại số 13 phố Đường Thành - Trụ sở Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm.

Trụ sở Văn phòng Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước đã có quyết định bàn giao lại cho thành phố do không còn nhu cầu sử dụng; Sở Tài chính sớm tham mưu UBND thành phố việc nhận chuyển giao cơ sở nhà đất nêu trên và giao cho UBND quận Hoàn Kiếm để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.

Khu trụ sở Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Khách sạn Điện lực, Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia: Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất vị trí làm trụ sở mới cho các đơn vị (tại khu vực trụ sở các Tổng công ty - Khu đô thị mới Cầu Giấy).

Đối với việc di chuyển trụ sở làm việc và các Trung tâm điều độ, Trung tâm cơ sở dữ liệu, Trung tâm Chăm sóc khách hàng có yêu cầu duy trì hoạt động liên tục (24/7) của các Tổng công ty ngành điện: Các đơn vị điện lực chủ động rà soát, đề xuất, nêu rõ phương án di chuyển, phương án bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục của các trung tâm nêu trên, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành thành phố rà soát, xác định chơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư, báo cáo UBND thành phố, tổ công tác trong tháng 3/2025.

UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Văn phòng UBND thành phố làm việc ngay với Thành đoàn Hà Nội về việc quản lý, sử dụng Cung Thiếu nhi (số 36-38 Lý Thái Tổ) để đề xuất bố trí cho các đơn vị sử dụng tạm trong thời gian chờ di chuyển đến vị trí chính thức và phương án khai thác sử dụng lâu dài Cung Thiếu nhi trong tổng thể khu vực.

Về việc bố trí tái định cư cho 35 hộ dân thuộc phạm vi dự án, UBND thành phố giao UBND huyện Đông Anh bố trí quỹ đất khoảng 100ha để phục vụ công tác tái định cư cho dự án quy hoạch, cải tạo khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm và các dự án trọng điểm của thành phố (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo...).

Anh Bùi Chí Thành, 35 tuổi, chủ cửa hàng phở Thìn tại số 61 Đinh Tiên Hoàng cho biết, anh rất buồn khi nghe thông tin phải di dời để thực hiện dự án, nhưng Nhà nước có chủ trương thì anh cũng đồng thuận và chấp hành. Ảnh: Quốc Thanh.
Quán phở Thìn tại số 61 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trong khu vực di dời. Ảnh: Quốc Thanh.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì phối hợp UBND huyện Đông Anh triển khai ngay quy hoạch chi tiết (trong đó ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch, đã giải phóng mặt bằng) để tạo quỹ đất bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư (cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo...).

UBND thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đền bù cao nhất theo quy định cho người dân, bố trí tái định cư bằng đất (tại huyện Đông Anh) đối với những trường hợp đủ điều kiện được bồi thường về đất ở; bố trí nhà tạm cư cho các hộ dân (trong thời gian chờ giao đất tái định cư) và bán nhà tái định cư cho các trường hợp không đủ điều kiện được tái định cư bằng đất để ổn định cuộc sống khi thực hiện giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương án di chuyển trụ sở cơ quan, bố trí tái định cư thực hiện dự án cải tạo khu vực hồ Hoàn Kiếm