Phương án thi và tuyển sinh 2017: Sẽ có nhiều thay đổi tích cực

Phương Linh 09/09/2016 09:35

Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển ĐH, CĐ 2017. Về phương án tổ chức thi cơ bản như năm 2016 với một số điều chỉnh về cụm thi, bài thi, hình thức thi, đề thi, nội dung thi, thời gian làm bài thi và lịch thi…

Ảnh tư liệu.

Đáng chú ý nhất là bài thi được điều chỉnh theo phương án 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học), và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Về công tác xét tuyển, Bộ cũng đưa ra các phương án để các trường lựa chọn. Thêm vào đó là tăng cường hơn nữa nguyện vọng cho TS.

Tổ chức thi nhẹ nhàng hơn

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Phương án tổ chức thi THPTQG lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016 sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng tích cực cải thiện kỳ thi 2016, tạo độ tin cậy cao các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh. Năm nay, về tổ chức cụm thi, Bộ giao các Sở chủ trì, trường ĐH tham gia giám sát. Đề thi, theo hình thức trắc nghiệm, mỗi TS trong phòng thi có 1 bài thi khác nhau để tránh quay cóp.

Đặc biệt, phương án thi năm 2017, có sự thay đổi lớn về số lượng môn thi. Ngoài các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, TS sẽ được tự chọn trong hai nhóm các môn thi kèm đó là các tổ hợp môn KHXH bao gồm: Lịch sử, Địa lý, Công dân và Tổ hợp môn KHTN bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Ngoài ra, thay đổi về hình thức kiểm tra đánh giá bằng trắc nghiệm, chỉ có môn Văn, TS sẽ làm bài tự luận.

Ông Ga cho biết, nội dung kiến thức thi vẫn sẽ chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông và lớp 12. TS chỉ cần ôn tập trong chương trình phổ thông có thể làm bài thi. Hình thức thi trắc nghiệm hay hình thức khác chỉ thay đổi nên cách học của các em cũng không có gì thay đổi, kể cả vùng nông thôn hay thành thị đều làm được tốt.

Hình thức thi trắc nghiệm gần hết các môn được đưa ra, theo Bộ GD&ĐT là cách để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc. Ý tưởng của Bộ là cho TS thi trên máy sau đó có kết quả ngay nhưng hiện chưa thể thực hiện được trên quy mô cả nước, nên trước mắt vẫn phải làm trên giấy và chấm thi trên máy. Về lâu dài sẽ tiến hành cả thi và chấm thi trên máy.

Nói về lo lắng của phụ huynh, TS về thay đổi của kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: Kỳ thi THPTQG không thể 1 năm thay đổi 1 lần mà phải kế hoạch và thay đổi từng bước để TS không bị sốc. Để có đổi mới kỳ thi năm nay, chúng ta đã chuẩn bị từ năm 2015. Các lộ trình rất cụ thể, TS cũng đã nắm được. Ngay từ năm 2015, khi thay đổi về tổ hợp xét tuyển, Bộ cũng quy định bắt buộc 75% chỉ tiêu xét truyền thống, 50% (2016) và 25% trong năm 2017 để không gây đột ngột…

Thí sinh trong kỳ thi ĐH, CĐ 2016.

Bài thi tự chọn gồm tổ hợp nhiều môn

Trấn an TS trước những lo lắng về cách thi trắc nghiệm các môn tự chọn KHTN và KHXH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định không có nhiều thay đổi. Nếu là thay đổi sang hướng tích hợp thì mới là thay đổi lớn, không thể làm ngay. Nhưng hiện nay, thay đổi của Bộ chỉ là bài thi tổ hợp gồm nhiều môn chứ không phải tích hợp, liên môn.

Trên nhiều diễn đàn có sự nhầm lẫn sang tích hợp đã ít nhiều gây ra sự lo lắng cho TS. Ví dụ, trong bài thi KHTN, TS sẽ làm 20 câu Lý, 20 Hóa, 20 câu Sinh. Việc tích vào môn KHTN làm bớt đi thời gian thi và số buổi tổ chức thi.

Về cách thức thi trắc nghiệm này, ông Ga cho biết, quan trọng nhất là chuẩn bị ngân hàng đề thi. Làm sao để đảm bảo các mã đề thi trong phòng thi không trùng nhau. Trong những năm vừa qua, Bộ đã khuyến khích các trường áp dụng những phương pháp mới vào tổ chức thi để Bộ xem xét nhân rộng.

Và Bộ ủng hộ phương án tổ chức đánh giá năng lực của ĐHQG HN, vấn đề là phải tiếp tục cập nhật ngân hàng đề thi cho năm 2017 có lượng đề thi đủ lớn, mỗi em có đề thi riêng mới đảm bảo tính nghiêm túc.

Đối với các giáo viên, ông Ga cũng góp ý rằng không có gì lo lắng. Bởi giáo viên có nhiệm vụ trang bị nội dung, kỹ năng cho học sinh. Còn thi chỉ là để đánh giá năng lực của học sinh. Nếu TS nắm vững kiến thức trong chương trình đào tạo thì thi phương pháp nào cũng không quá lo ngại.

Quan trọng nhất là nhà trường trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng đầy đủ. Khi các em chuẩn bị tốt kỹ năng rồi thì thi trắc nghiệm hay tự luận thì cũng làm tốt. Chứ đừng vì thi thế này mà phải điều chỉnh cái kia.

Đề thi minh họa công bố vào cuối tháng 9

Để giảm bớt căng thẳng trước những thay đổi trong kỳ thi 2017, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ cuối tháng 9, chậm nhất đầu tháng 10 này sẽ công bố đề thi minh họa, để nhà trường và TS dựa vào triển khai giảng dạy và ôn tập.
Bộ cũng hi vọng, những trường có nhu cầu kiểm tra thêm năng lực TS, tức là sử dụng kết quả kỳ thi hay phổ thông như một hình thức sơ tuyển, cần kiểm tra thêm thì cũng phải công bố đề thi minh họa để TS hiểu, chuẩn bị tinh thần ôn tập.

Đề xuất nhiều phương án xét tuyển

Về thay đổi trong phương thức xét tuyển, ông Ga cho hay: Cũng không có nhiều thay đổi so với năm 2016. Bộ đề xuất 5 phương án mà các trường sẽ áp dụng, đó là: Sử dụng kết quả xét học bạ; kết quả kỳ thi THPTQG; dùng kết quả kỳ thi THPTQG làm sơ tuyển, sau đó đánh giá năng lực… tương tự năm 2016 đã áp dụng.

Tuy nhiên năm 2017, Bộ dự kiến cho TS đăng ký nhiều nguyện vọng hơn. Năm 2016, TS chỉ được đăng ký 2 trường trong đợt 1, năm nay có thể được đăng ký nhiều trường hơn. Tăng như vậy rõ ràng phải có công nghệ thông tin để lọc ảo, vì năm 2016, số nguyện vọng ít mà các trường đã rất vất vả.

Bộ đã có phần mềm lọc ảo được chuẩn bị từ 2014, khi bắt đầu đổi mới tuyển sinh, do các trường chưa đồng thuận nên chưa áp dụng được. Năm 2017, khi tăng nguyện vọng lên, dứt khoát sẽ phải sử dụng để công tác xét tuyển được thuận lợi.

Các trường có thể có khó khăn hơn, nhưng mục tiêu chính vẫn là tạo điều kiện thuận lợi cho TS, ngày càng làm cho các em có thêm nhiều quyền lợi. “Hãy ôn tập thật tốt chương trình phổ thông mà hiện nay các em đang học, để có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Còn khi làm bài, dù thi kiểu gì đi nữa, nếu đã học giỏi thì cũng sẽ làm bài thi tốt. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể, có đề thi minh họa sớm nhất để các em dựa vào ôn tập… Các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng làm ảnh hưởng đến kết quả của các em”- ông Ga đưa ra lời khuyên.

Bà Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành:
Chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức thi năm 2017. Khi có quyết định chính thức, chắc chắn trường phải chủ động lập kế hoạch triển khai các hoạt động dạy học. Chúng tôi nghĩ, dù cách thi như thế nào thi vẫn phải luôn thay đổi cách dạy học, chủ động, sáng tạo để học sinh phát triển toàn diện. Tôi tin tưởng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT đã có kinh nghiệm tổ chức suốt thời gian qua, chắc chắn cũng sẽ tìm ra giải pháp tốt để tổ chức cho kỳ thi năm nay.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM:
Tôi thấy, những điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ khắc phục được những điểm yếu mà kỳ thi 2016 còn tồn tại và tiếp cận được với xu thế của thời đại. Khi chúng ta tổ chức môn thi rời rạc học sinh sẽ có xu thế học lệch, nên khi đưa ra tổ hợp các môn thi sẽ khuyến khích các em có kiến thức tổng quát. Xu thế của thế giới cũng đang làm như vậy. Tuy nhiên, trong những năm tới phải đi theo xu thế tích hợp, chứ không phải là tổ hợp. Năm nay chúng ta chưa quen, nên vẫn để đề thi tổ hợp.
Việc triệt để ứng dụng công nghệ thông tin cũng là điều cần thiết. Nếu chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin tốt, chấm bài thi trắc nghiệm tốt sẽ không có tiêu cực xảy ra. Lâu nay chúng ta vẫn sợ các địa phương chấm bằng tay sẽ nương cho TS mình, bây giờ chấm bằng máy sẽ không xảy ra chuyện này. Các trường ĐH cũng sẽ tin tưởng kết quả của kỳ thi để xét tuyển ĐH.

Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG HN:
Phương án mà Bộ GD&ĐT đề xuất, cải tiến thi trong hai bài thi KHTN hoặc KHXH sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với thi trong 4 ngày, cũng như giảm được thời lượng mỗi bài thi. Nhẹ nhàng trong công tác thi cử tại địa phương và cho cả TS. Đặc biệt, chúng ta áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại và công nghệ thông tin vào trong bài thi.

Th. Anh (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương án thi và tuyển sinh 2017: Sẽ có nhiều thay đổi tích cực