Cây phượng đổ đè chết nữ điều dưỡng trong cơn mưa
Trong cơn mưa lớn, gió mạnh đã làm cây phượng đổ xuống đường, đè chết một nữ điều dưỡng trên đường đi làm về.
Theo Dân Trí, rạng sáng 3/4, gia đình chị Nguyễn Thị H. (39 tuổi, ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đưa thi thể chị H. từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng về nhà lo hậu sự. Chị H. là nạn nhân trong vụ cây phượng vĩ đổ đè trúng người đi đường trên đường Phạm Hùng, phường 8, TP Sóc Trăng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lạc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cho biết, chị H. là điều dưỡng trưởng của Khoa Tâm thần. Chiều 2/4, chị H. đi làm về gần tới nhà thì bất ngờ bị cây phượng vĩ đổ đè trúng. Ngay sau đó, chị được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu, truyền gần 20 đơn vị máu nhưng do chấn thương nặng, vỡ gan, vỡ tạng... nên sáng nay chị H. đã tử vong.
Theo quan sát của phóng viên, cây phượng ngã đè lên người chị Hân được trồng khoảng 20 năm, đường kính gốc khoảng trên 30 cm, cành lá sum suê nhưng mục gốc nên gãy đứt ngang đoạn sát mặt đất.
Trước đó, khoảng 16h ngày 2/4, sau những ngày nóng dữ dội ở Sóc Trăng đã có mưa rất lớn trải dài trên diện rộng và trong thời gian khá lâu.
Theo ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng cho biết, Phòng Quản lý đô thị thành phố đã ký hợp đồng với Công ty Công trình đô thị để kiểm tra, cắt tỉa cành những cây phượng này từ đầu năm, nhưng có lẽ chưa tới mùa mưa nên đơn vị chưa triển khai. Sắp tới thành phố sẽ đôn đốc kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên những tuyến đường có cây phượng.
Hiện nay, trên đường Phạm Hùng và một số tuyến đường ở thành phố Sóc Trăng có rất nhiều câu phượng có tuổi đời cao, nhưng mức độ an toàn rất đáng báo động vì bị chiếm hết phần gốc nên cây rất khó đứng vững, nhất là khi có mưa gió lớn.
Trước đó, đã xảy ra nhiều vụ cây phượng bất ngờ đổ gây tai nạn, như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, ngày 22/3 một cây phượng trên đường Hùng Vương, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp bất ngờ bật gốc đổ, đè trúng một người đang chạy xe máy trên đường. May sao người bị cây phượng đè chỉ bất tỉnh, bị thương phần mềm, không nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi cây phượng đổ, qua quan sát, người ta thấy gốc cây đã mục ruỗng bên trong. Thời điểm cây đổ có gió nhưng gió không lớn. Như vậy nguyên nhân cây đổ là do cây đã già, bị sâu bệnh. Đến thời điểm cây không trụ được nữa, hay chỉ cần một tác động nhẹ là bị đổ.
Tại Hải Phòng, ngày 27/7/2020, một cành của cây phượng vĩ cổ thụ nằm trên đường Trần Bình Trọng, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng bất ngờ bị gãy đè trúng 1 ô tô và 4 xe máy vào lúc sáng nay (27/7). Rất may không có thiệt hại về người.
Ngày 27/5/2020, tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM), một cây phượng vĩ bất ngờ bật gốc đổ xuống đè trúng nhiều học sinh, 13 em đã nhập viện. Một em bị ngưng tim, đã không qua khỏi. Bộ Giáo dục - Đào tạo ngay sau đó đã yêu cầu các Sở chỉ đạo các trường học kiểm tra, kiểm kê cây xanh trong trường. Không ít trường.
Cây phượng dễ trồng, ưa nắng, phát triển mạnh trên mọi địa hình, cho bóng mát và cảnh quan với màu hoa đặc biệt. Thế nhưng cây phượng có hạn chế là tuổi thọ không cao, thân cây giòn, dễ sâu bệnh, dễ gẫy. Rễ mọc không ăn quá sâu. Cây trồng trên đường chỉ khoảng 30 năm đã già cỗi.
Khi phát hiện sâu bệnh, cần chặt bỏ những cây già cỗi. Đặc biệt với việc thi công các công trình, dự án trên đường tránh đào xới ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, ảnh hưởng đến rễ cây.