Lỗi không phải phượng

Thiện Dân 24/03/2021 09:30

Ngày 22/3 một cây phượng trên đường Hùng Vương, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp bất ngờ bật gốc đổ, đè trúng một người đang chạy xe máy trên đường. May sao người bị cây phượng đè chỉ bất tỉnh, bị thương phần mềm, không nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi cây phượng đổ, qua quan sát, người ta thấy gốc cây đã mục ruỗng bên trong. Thời điểm cây đổ có gió nhưng gió không lớn. Như vậy nguyên nhân cây đổ là do cây đã già, bị sâu bệnh. Đến thời điểm cây không trụ được nữa, hay chỉ cần một tác động nhẹ là bị đổ.

Chuyện cây phượng đổ gây hậu quả đã từng xôn xao dư luận từ giữa năm ngoái khi cây phượng lớn ở Trường THCS Bạch Đằng (TP HCM) đổ làm một học sinh tử vong, nhiều học sinh bị thương. Bộ Giáo dục - Đào tạo ngay sau đó đã yêu cầu các Sở chỉ đạo các trường học kiểm tra, kiểm kê cây xanh trong trường. Không ít trường, không ít nơi sau đó đã chặt bỏ phượng một cách không thương tiếc.

Thật ra việc cây đổ gây hậu quả không chỉ lỗi do giống cây. Thực tế lâu nay vẫn thỉnh thoảng có cây phượng đổ, nhưng ngay từ cây phượng đổ ở Trường Bạch Đằng, một số nơi khác hay cây phượng đổ trên đường Hùng Vương ở TP Sa Đéc đều do cây đã già hay bị sâu bệnh, mục ruỗng bên trong.

Phượng, phượng vĩ được trồng ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt gắn với nhiều thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng và ở nhiều nơi nhất là ở các trường học trong cả nước. Tuổi học trò gắn với phượng, với mỗi mùa phượng nở, báo hiệu mùa hè, một năm học kết thúc với bao kỷ niệm bay theo cánh hoa…

Cây phượng dễ trồng, ưa nắng, phát triển mạnh trên mọi địa hình, cho bóng mát và cảnh quan với màu hoa đặc biệt. Thế nhưng cây phượng có hạn chế là tuổi thọ không cao, thân cây giòn, dễ sâu bệnh, dễ gẫy. Rễ mọc không ăn quá sâu. Cây trồng trên đường chỉ khoảng 30 năm đã già cỗi.

Và như vậy vấn đề cốt lõi là phía con người. Trồng cây thì phải chăm cây, phải phát hiện sâu bệnh, chặt bỏ những cây già cỗi. Đặc biệt với việc thi công các công trình, dự án trên đường tránh đào xới ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, ảnh hưởng đến rễ cây. Không chỉ cây phượng mà bất cứ cây nào nếu không đảm bảo điều kiện sống thì việc đổ gãy là lẽ thường.

Mỗi sự việc khi xảy ra, gây hậu quả cũng nên tìm đúng nguyên nhân, bắt đúng bệnh để tìm ra cách phòng, tránh, chữa trị để hạn chế, triệt tiêu các trường hợp tương tự có thể xảy ra. Hy vọng một cây phượng đổ ở TP Sa Đéc tiếp tục là bài học, cảnh tỉnh cho trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗi không phải phượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO