Chính phủ Qatar hôm 26/7 nói rằng danh sách đen mà Arab Saudi cùng các đồng minh của họ mới công bố là một “bất ngờ đáng thất vọng” trong một cuộc khủng hoảng đang khiến cho khu vực Vùng Vịnh chia rẽ.
Khối cấm vận do Arab Saudi dẫn đầu đã phong tỏa đường không, đường biển và biên giới đát liền với Qatar. (Nguồn: AFP).
Chính phủ 4 nước Arab trong khu vực đã liệt 18 tổ chức và cá nhân vào danh sách đen sau khi cáo buộc họ có liên hệ với Qatar và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Động thái của Arab Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain được đưa ra bất chấp sức ép quốc tế đang gia tăng để họ đưa ra thỏa hiệp với Qatar.
Giám đốc truyền thông của chính phủ Qatar, Sheikh Saif bin Ahmed Al-Thani, nói rằng danh sách đen nói trên không có cơ sở thực tế và nhằm tước đoạt chủ quyền của nước họ.
“Động thái trên là một bất ngờ đáng thất vọng, khi các nước cấm vận vẫn đang theo đuổi câu chuyện này như một chiến dịch để chống lại Qatar” - ông Al-Thani nói trong một tuyên bố - “Danh sách đen này cho thấy bằng chứng rằng các nước cấm vận không hề cam kết đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.
Hồi tháng trước, khối các nước cấm vận Qatar cũng từng đưa ra một danh sách đen gồm 59 cá nhân và 12 tổ chức, mà Qatar cho rằng “đã bị phần lớn cộng đồng quốc tế bác bỏ”.
Arab Saudi cùng các đồng minh hiện đang tẩy chay Qatar kể từ hôm 5/6, trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất của khu vực Vùng Vịnh trong suốt nhiều năm qua. Các nước này phong tỏa đường biên giới đất liền duy nhất của Qatar, chỉ thị cho công dân Qatar rời khỏi lãnh thổ nước họ, đóng cửa cả không phận và đường biển đối với Qatar.
Khối cấm vận yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ lâu dài với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), bị liệt vào danh sách khủng bố bởi chính phủ các nước này chứ không phải bởi cộng đồng quốc tế. Họ cũng đề nghị Qatar cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa hãng truyền thông Al-Jazeera và một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Qatar sau đó đã bác bỏ các yêu sách này vì coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của họ. Hiện nước này đang nhận được sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ từ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó, Mỹ, cũng là một đồng minh của Qatar, lại đưa ra nhiều tín hiệu không rõ ràng về quan điểm của họ trong cuộc khủng hoảng này.