Từ 1/1/2022, quận Đống Đa cho phép các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn được bán hàng, phục vụ tại chỗ, đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Sau khi được xác định có dịch ở cấp độ 2, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã lập tức điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng, cho phép hàng quán được bán hàng tại chỗ trở lại. Quyết định có hiệu từ kể từ ngày 1/1/2022.
14 phường ở cấp độ 2 sẽ được bán hàng ăn uống tại chỗ và nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch, gồm các phường: Cát Linh, Hàng Bột, Khương Thượng, Láng Hạ, Láng Thượng, Nam Đồng, Ngã Tư Sở, Phương Liên, Phương Mai, Quang Trung, Thịnh Quang, Trung Liệt, Trung Tự và Văn Chương.
7 phường còn lại, vẫn ở cấp độ 3, sẽ chỉ bán hàng mang về, gồm: Trung Phụng, Kim Liên, Văn Miếu, Thổ Quan, Khâm Thiên, Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa.
Quận Đống Đa đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng.
Người dân được khuyến cáo chấp hành nghiêm thông điệp 5K; khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.
Trước đó, tối 31/12, UBND TP Hà Nội phát đi thông báo đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, dịch bệnh ở quy mô cấp thành phố của Hà Nội vẫn ở cấp độ 2. Tuy nhiên, tính theo quy mô cấp quận, huyện, thị xã thì thành phố đang có 10 địa phương có dịch ở cấp độ 3; 18 địa phương ở cấp độ 2 (tức vùng vàng) và 2 địa phương có dịch ở cấp độ 1 (tức vùng xanh).
10 địa phương "vùng cam" gồm 8 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và 2 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.
Như vậy, so với thông báo vào tuần trước, dịch ở quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì và huyện Gia Lâm đã chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Riêng cấp độ dịch ở quận Đống Đa chuyển từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2.
Ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn, Hà Nội đang ghi nhận 111 địa phương có dịch ở cấp độ 3, 278 địa phương ở cấp độ 2 và 190 địa phương ở cấp độ 1.
Mới đây, trước những nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng Omicron, UBND Hà Nội khuyến cáo người dân có việc cần thiết mới ra ngoài trong dịp Tết.
Thành phố cũng yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp; tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như ô xy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu…
Ngày 25/12 vừa qua, ngay sau khi Hà Nội công bố cấp độ dịch trên địa bàn, nhiều quận "vùng cam" đã lập tức điều chỉnh các biện pháp chống dịch theo hướng siết chặt các hoạt động đông người, có nguy cơ lây lan dịch bệnh; cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.