Để tránh trình trạng nhiều dự án “phớt lờ” chính quyền, xây vượt phép như vụ nhà 8B Lê Trực, ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Quản lý đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng: Phải tiền kiểm chặn sai phạm, để sai phạm xảy ra rồi mới đi xử lý thì rất khó.
Ông Đỗ Viết Chiến.
PV: Ông có thể khái quát bức tranh đô thị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Ông Đỗ Viết Chiến: Đến nay chúng ta có 789 đô thị, tuy nhiên, trong số các đô thị này, không phải đô thị nào cũng phát triển tốt. Vẫn còn nhiều tồn tại đó là, kiểm soát quá trình đô thị hóa còn hạn chế nên số lượng đô thị ra đời nhiều mà chất lượng lại chưa tương xứng.
Trong khi đó, phân bố các đô thị lại không đồng đều, khiến các đô thị lớn vẫn là thỏi nam châm cực lớn hút người nhập cư, tiếp tục chất tải lên đô thị. Chính sự thiếu kiểm soát dòng người nhập cư này khiến nhiều đô thị lớn phải đối mặt với vấn đề quá tải hạ tầng, giao thông, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường....
Thưa ông trong những lý do khiến đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như ông vừa phân tích có lý do yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo?
Đúng là chuyện đô thị phát triển không xứng tiềm năng là do yếu tố con người. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị của chúng ta vừa thiếu lại vừa yếu. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1961 để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý đô thị, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo.
Theo đó, đã có các chương trình đào tạo lại nhằm giúp các đối tượng từ cấp thấp đến cấp cao trong hệ thống đô thị của Việt Nam trang bị đủ kiến thức phát triển đô thị. Làm sao để có được đội ngũ làm công tác quản lý đô thị có đủ kiến thức giám sát quy hoạch và phải có kế hoạch thực hiện quy hoạch đó. Cán bộ phải giám sát làm sao để đô thị đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư theo kiểu dàn trải, phong trào như vừa qua.
Thưa ông, bất cập nhất trong quản lý đô thị hiện nay đó là tình trạng quy hoạch treo tại các đô thị, làm sao để hạn chế tình trạng này?
Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 11 để lập lại trật tự trong quản lý đô thị. Nghị định đã yêu cầu chính quyền các đô thị, tỉnh chỉ đạo các đô thị trong địa bàn của địa phương rà soát các đồ án, dự án đã triển khai trước khi Nghị định 11 có hiệu lực để phân thành 4 loại xử lý các vấn đề tồn đọng với các dự án trước đây.
Thứ nhất, với các dự án đủ điều kiện thì tiếp tục triển khai. Theo đó, nhà đầu tư phải có năng lực chứng minh nguồn vốn của mình chứ không phải lời hứa để thực hiện dự án này.
Thứ 2, những công trình thuộc vấn đề an sinh, xã hội, địa phương đang rất cần, phải đưa vào thực hiện.
Thực hiện đúng Nghị định 11 sẽ không có chuyện dự án treo. Nếu làm không làm đúng là vi phạm pháp luật, chúng ta phải thổi còi các dự án này. Phải có chế tài xử lý cụ thể. Về giám sát, ở trung ương, các bộ ngành TW cùng giám sát và Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối. Với địa phương chính Chủ tịch tỉnh giao nhiệm vụ cho cán bộ địa bàn từng đô thị quản lý, giám sát lẫn nhau.
Có một thực trạng là rất nhiều nhà không phép, thậm chí công trình rất lớn sai phép mọc lên mà chính quyền không biết, tại sao ta không có điều luật chặn sai phạm tránh trình trạng công trình sai mới phát hiện, như vậy rất khó xử lý, phải chăng chế tài chưa nghiêm?
Trong Nghị định 11 đã hình thành các Ban Quản lý của khu vực phát triển đô thị. Ban này là đơn vị sự nghiệp do Nhà nước thành lập trực thuộc cấp tỉnh. Ban Quản lý này có nhiệm vụ: Quản lý các dự án nằm trong khu vực được giao theo đúng quy hoạch và có kế hoạch cụ thể.
Đã có quy hoạch được duyệt, đưa dự án vào họ sẽ giám sát đúng quy hoạch, tiến độ, những nội dung cho phép, cái gì sai phạm cần thổi còi. Cái gì tỉnh giao sẽ xử lý tại chỗ, cái gì vượt thẩm quyền báo cáo để xử lý tiếp. Không có chuyện hậu kiểm như hiện tượng vừa rồi, xây xong rồi mới vào xử lý là hậu kiểm. Nghị định 11 là tiền kiểm không để tình trạng sai phép xảy ra.
Trân trọng cảm ơn ông!