Sau nhiều vụ tai nạn về du lịch mạo hiểm xảy ra trong thời gian ngắn gần đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang gấp rút xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý loại hình du lịch này. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, tới đây việc hướng dẫn quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm sẽ góp phần khai thác hết tiềm năng về du lịch mạo hiểm, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới tốt hơn.
Hoạt động du lịch mạo hiểm rất cần sự đảm bảo an toàn.
Mất bò mới lo làm chuồng
Chỉ từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2017 đã xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 6 người chết ở các thác nước hiểm trở của Lâm Đồng. Trong đó, tai nạn ở thác Datanla, thác Hang Cọp ở Lâm Đồng dẫn đến chết người chủ yếu do doanh nghiệp lữ hành sử dụng hướng dẫn viên du lịch chui và hoạt động chui. Hướng dẫn viên chưa được tập huấn quản lý du lịch mạo hiểm và không được cấp thẻ, cho nên không đủ năng lực và hiểu biết nhưng vẫn dẫn khách đến địa điểm du lịch mạo hiểm mà không thông qua ban quản lý điểm đến.
Đặc biệt, với vụ tai nạn ở thác Hang Cọp do tư nhân quản lý, dù đơn vị này đã đóng cửa nhưng hướng dẫn viên vẫn phớt lờ quy định, không đảm bảo an toàn cho khách dẫn đến chết người. Còn tai nạn ở Lào Cai do khách đi một mình vào rừng núi không theo chương trình, không theo điểm đến có sản phẩm du lịch mạo hiểm.
Sau những sự việc đáng tiếc xảy ra, dù ngành du lịch đã vào cuộc chấn chỉnh song dường như những tai nạn trong du lịch mạo hiểm vẫn luôn là những nguy cơ tiềm ẩn.
Đơn cử, sau sự cố tại thác Hang Cọp (Lâm Đồng) thì từ cuối tháng 3/2016 sau khi Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ngừng khai thác, đồng thời lắp cổng chắn vào khu vực, để bảng thông báo nêu rõ nội dung “Khu du lịch ngưng hoạt động, không đón tiếp du khách vào thăm” bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Thế nhưng, tại khu vực này vẫn có doanh nghiệp tổ chức được tour du lịch mạo hiểm ở đây, thậm chí nhân viên trực còn thu tiền vào cổng của du khách. Hay tại nhiều điểm du lịch chỉ cần từ 500.000 - 800.000 đồng/người là du khách có thể mua một tour đu dây vượt thác, leo núi…
Những tour như trekking thì có thể nhỉnh hơn với mức giá 1 triệu đồng/người. Đáng nói, chỉ cần trải qua 10-15 phút hướng dẫn, du khách có thể tham gia một trò chơi nghe qua đã thấy rùng mình như đi dây xuống một thác nước cao 20m hay nhảy xuống một dòng nước xiết với độ cao 10m…
Trong khi đó, du khách hầu như chỉ được trang bị một cách rất sơ sài như mũ bảo hiểm, đai bịt đầu gối… Những vật dụng này hoàn toàn không có tác dụng khi gặp phải những địa hình hiểm trở như nước xoáy hay ghềnh đá sắc nhọn…
Trước những bất cập trên, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch: ngành du lịch “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi nguy cơ từ du lịch mạo hiểm đã được các chuyên gia cảnh báo từ rất lâu. Nhưng dù sao xây dựng thông tư muộn còn hơn không, nhất là thời gian qua, kinh doanh du lịch mạo hiểm diễn ra ào ào.
Quy hoạch điểm du lịch mạo hiểm
Trước những hiểm họa luôn rình rập với du lịch mạo hiểm, mới đây Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ soạn thảo Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm.
Trong thông tư sẽ đề cập tới 3 đối tượng gồm: khách du lịch, ban quản lý khu du lịch và doanh nghiệp lữ hành được phép tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm.
Theo kế hoạch trong tháng 5/2017 sẽ đưa nội dung thông tư dự thảo lên cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL và Tổng Cục Du Lịch để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp du lịch cũng như các doanh nghiệp chịu sự chi phối của ngành du lịch mạo hiểm này.
Dự kiến vào đầu tháng 7/2017, sau khi kết thúc 60 ngày công bố, Tổ soạn thảo sẽ báo cáo với Bộ trưởng VHTTDL tham mưu thành lập một hội đồng thẩm định chất lượng về bộ thông tư này.
Tuy nhiên, bên cạnh những chế tài nhằm thắt chặt công tác quản lý, hoạt động du lịch mạo hiểm cũng đang đặt ra trách nhiệm, ý thức của các cơ quan quản lý, đơn vị lữ hành và với cả khách du lịch.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trong các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra thời gian qua, du khách đều đi tự phát hoặc không tuân thủ quy định.
Nguyên nhân do cơ quan quản lý địa phương đã không có các biện pháp để quản lý chặt chẽ những điểm du lịch mạo hiểm. Vì vậy, đã đến lúc, các địa phương cần phải tổ chức khảo sát để quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, những nơi có tiềm năng phát triển cho du lịch mạo hiểm đang được du khách hướng tới.
Cũng theo ông Tuấn trước mắt, cần phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Đặc biệt, cần ban hành những hướng dẫn để du khách nhận thức đúng khi tham gia vào loại hình du lịch mạo hiểm; tuân thủ các quy định khi thực hiện các loại hình du lịch mạo hiểm tại điểm đến.
Như vậy, siết du lịch mạo hiểm cần sự cam kết của doanh nghiệp, sự vào cuộc giám sát của chính quyền địa phương và ý thức của bản thân du khách. Điều lưu ý là mỗi du khách hãy là khách du lịch thông minh, nên lựa chọn các công ty lữ hành có uy tín chuyên tổ chức về du lịch mạo hiểm.