Sáng 14/6, BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo Quản lý chi phí bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn kinh tế y tế. Tới dự và chủ trì Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.
Ông Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Bệnh tiểu đường là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, làm chậm lại mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, hiện toàn cầu có hơn 190 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số này đang tiếp tục tăng lên. Bệnh tiểu đường đang đặt ra nhiều thách thức của toàn cầu trong kiểm soát tình trạng của người bệnh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chiếm khoảng trên 4% dân số, gần 10% dân số khác mắc tiền đái tháo đường và thực trạng này vẫn đang gia tăng rất nhanh và là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị. Theo báo cáo, chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Dù chưa có những nghiên cứu về các chi phí gián tiếp và chi phí vô hình, nhưng chỉ tính riêng các chi phí trực tiếp cũng đã là gánh nặng cho mỗi cá nhân và cả nền kinh tế, cho xã hội. Mức chi phí bình quân cũng thay đổi tuỳ thuộc vào số lượng và mức độ các biến chứng. Đa số người bệnh không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị đái tháo đường. Theo một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương số người có sẵn để chi trả viện phí chỉ có 27,3%; phải bán đồ vật có giá trị trong gia đình để đi nằm viện là 21,2%; phải đi vay mượn để trả tiền điều trị là 51,5%.
Với tầm quan trọng đó, công tác phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lý này là cực kỳ quan trọng. Theo thống kê, hằng năm quỹ BHYT đã chi trả hàng nghìn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Với nguồn quỹ BHYT còn nhiều khó khăn như hiện nay, làm thế nào để quản lý hiệu quả nhất chi phí dành cho khám, chữa bệnh tiểu đường là rất cần thiết, đây không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà toàn xã hội.
Chính vì vậy theo đánh giá của các đại biểu hội thảo là một bước tiến quan trọng hướng đến nhiều hơn nữa các chương trình hợp tác chiến lược giữa Đan Mạch và BHXH Việt Nam trong việc hỗ trợ và nâng cao năng lực quản lý BHYT, đặc biệt là trong việc quản lý bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Nhóm bệnh nhân mắc các bệnh không truyền nhiễm ở Việt Nam là nhóm có tỷ lệ tử vọng cao nhất, chiếm khoảng 73% bao gồm các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư tim mạch.
"Hội thảo lần này rất quan trọng là dịp các đại biểu chia sẻ, thảo luận về gánh nặng bệnh đái tháo đường và việc quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường dựa trên bằng chứng đánh giá công cụ kinh tế y tế. Đặc biệt tăng cường, nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong quản lý hiệu quả toàn bộ bệnh không lây nhiễm, trong đó bao gồm bệnh đái tháo đường" - ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.