Liên tiếp các vụ gãy đổ cây xanh vào mùa mưa đã gây ra nhiều thương vong, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn đối với công tác quản lý cây xanh của TPHCM.
Thời điểm đầu tháng 8/2024, vụ việc nhánh cây bị gãy ở công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) làm 2 người chết, 3 người bị thương khiến người dân đặc biệt lo lắng. Sau đó không lâu, Sở Xây dựng TPHCM báo cáo về sự cố cây xanh trên địa bàn quận 5 xảy ra vào ngày 4/9 khi một cây xanh bật gốc, ngã đổ đã khiến 1 người tử vong và gây thiệt hại cho 2 ô tô, 2 xe máy...
Qua làm việc với cơ quan Công an vào các thời điểm xảy ra sự cố gây chết người về cây xanh, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM đã chỉ ra các nguyên nhân chính, đồng thời có văn bản đề xuất một số giải pháp trong công tác chăm sóc cây xanh để hạn chế các sự cố trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Công Sơn - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, hiện nay việc phát hiện khiếm khuyết trên cây xanh chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tiễn. Trong khi tại nhiều quốc gia tiên tiến đã và đang sử dụng các thiết bị, máy móc để theo dõi, đánh giá khiếm khuyết cây xanh trên cơ sở khoa học để phục vụ công tác quản lý, chăm sóc hoặc thay thế cây xanh.
Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng của TPHCM trong giai đoạn 2024 - 2025 đặt ra chỉ tiêu phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng. Đồng thời, thành phố triển khai trồng mới và cải tạo khoảng 12.000 cây xanh. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu - chuyên gia về quản lý cây xanh, hiện nay diện tích mảng xanh, trong đó riêng diện tích công viên của TPHCM chỉ khoảng hơn 599ha, tương ứng với mật độ chỉ 0,55m2/người. Đây là những con số thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh của một đô thị đặc biệt như TPHCM. Theo chuyên gia này, với tốc độ phát triển mảng xanh còn chậm như hiện nay thì trong 2 - 3 năm tới TPHCM chưa thể đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, hiện việc mở rộng quỹ đất cây xanh ở quận trung tâm là rất khó khăn, việc phát triển quỹ đất chủ yếu có thể triển khai ở TP Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Tân và khu vực ngoại vi (các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè).
Bà Nguyễn Thị Nhi - Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) Nguyễn Thị Nhi cho biết, trước mắt TPHCM sẽ tập trung triển khai 6 công viên để tăng mảng xanh cho đô thị đông dân nhất nước. Đồng thời, thành phố đặt ra chỉ tiêu tới năm 2030 sẽ đạt được tỷ lệ cây xanh không dưới 1m2/người.
Để đạt được mục tiêu trên, bà Nhi cho biết, thành phố vẫn đang cân đối nguồn lực để đầu tư xây dựng. Song song đó, thành phố tiếp tục rà soát, khuyến khích phát triển mảng xanh, cây xanh tại các khu công cộng, khu phố, dân cư, nhà dân, cơ quan công sở, trường học.
Để đảm bảo quy hoạch mảng xanh đô thị bền vững, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM góp ý, TPHCM cần quy hoạch mảng xanh có tính bền vững hơn, từ đó quản lý được các rủi ro dài hạn để tăng tính hiệu quả đối với công tác này. Theo TS Sâm, hiện nay ở các quốc gia tiên tiến đều xây dựng quy hoạch cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc điểm dân cư, gắn với chương trình dự báo biến đổi khí hậu. Do đó, các nước này quản lý được từ xa các rủi ro sự cố cây xanh, nhưng đồng thời cũng phát triển nhanh tỷ lệ mảng xanh cho các đô thị.
“Hà Nội và TPHCM là 2 siêu đô thị hiện nay đã và đang phải đối diện với các thách thức bởi sự biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, cũng như tác động cực đoan của mưa giông, bão lụt. Do đó, kinh nghiệm quy hoạch cây xanh của các siêu đô thị trong khu vực cùng khí hậu là đặc biệt quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay” - TS Sâm nói.