Văn hóa

Quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa

Phạm Sỹ (thực hiện) 29/01/2024 09:15

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhưng việc sử dụng vẫn còn nhiều bất cập. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

anh-nho-bai-tren.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PV: Thưa ông, những năm qua nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Ý kiến của ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Sau 10 năm, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh hoặc đã quá lâu, không đúng quy định về quy mô và chất lượng công trình hoặc xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng để tổ chức hoạt động văn hóa còn thiếu và không đồng bộ, đều trong tình trạng hỏng hóc hoặc hết khấu hao.

Việc xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức... Đây là một thực tế cần phải thay đổi để văn hóa nói chung, thiết chế văn hóa nói riêng, có thể được vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của đất nước.

anh-to-bai-tren.jpg
Nhiều nơi Nhà văn hóa không phát huy tác dụng. Nguồn: Báo Vĩnh Phúc.

Có ý kiến cho rằng, thiết chế văn hóa ở nước ta đang vừa thừa, vừa thiếu. Ông nghĩ sao về vấn đề trên?

-Chúng ta còn thiếu rất nhiều thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên... đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Đã khoảng 20 năm nay, các thiết chế văn hóa ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Nhà văn hóa không có nhiều không gian sinh hoạt, chủ yếu là các khoảng sân dành cho các hoạt động thể dục, thể thao, còn hoạt động của nhà văn hóa lại là các hoạt động liên quan đến sinh hoạt chi bộ, người cao tuổi mà không thuần túy là các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Tương tự là số phận hẩm hiu của thư viện hay bảo tàng ở nhiều địa phương, hay các công viên bị bỏ hoang, không được chăm sóc, hoặc khóa chặt để hạn chế người vào. Dù chúng ta đều biết, về lý thuyết, các thiết chế văn hóa là các không gian công cộng, dành cho cộng đồng, là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa, nhưng một khi những mục đích căn bản đó không đạt được, thì đây là một sự lãng phí rất lớn.

Thưa ông, cơ chế chính sách hiện nay đã thực sự thuận lợi để toàn xã hội có thể tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả hay chưa?

-Là ĐBQH chuyên trách về văn hóa, tôi thường chất vấn các cơ quan hữu quan, các địa phương về đầu tư ít ỏi cho các thiết chế văn hóa, câu trả lời tôi thường nhận được là đầu tư không hiệu quả, hiện nay vẫn còn nhiều thiết chế văn hóa dư thừa, lãng phí... Đây đúng là vấn đề rất khó xử đối với những người yêu văn hóa. Nếu giải trình về đầu tư không hiệu quả có thể không quá khó vì đầu tư cho văn hóa khó có thể đong đếm như kinh tế cũng như tác dụng của các hoạt động văn hóa có thể lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác (cần phải tính cho văn hóa)... thì việc lãng phí các thiết chế văn hóa là một bài toán khó giải hơn.

Để thực sự nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, theo ông cần phải chú ý vấn đề gì?

-Để các thiết chế văn hóa thực hiện tốt hơn vai trò của mình, bảo đảm cho văn hóa trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong việc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt coi trọng quy hoạch địa điểm và dành quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Đầu tư phát triển thiết chế văn hoá, thể thao phải đồng bộ cả về cơ sở vật chất, thiết bị hoạt động. Tuy nhiên không dàn trải, phù hợp với đặc thù vùng, miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá, luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân.

Chú trọng công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa và quản lý văn hóa. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa bằng cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO