Ông Ma Phúc Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Những vướng mắc, tồn tại ở cơ sở đã được MTTQ huyện Lâm Bình phối hợp với chính quyền địa phương thông qua việc đối thoại với nhân dân để tìm các giải pháp gỡ khó từ cơ sở.
Một cuộc Hội nghị đối thoại tại huyện Lâm Bình.
Theo ông Ma Phúc Sơn, những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện các Quyết định 217, 218 về giám sát, phản biện xã hội, MTTQ cùng với các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền giám sát nhiều lĩnh vực liên quan thiết thực trong đời sống xã hội như thực hiện pháp luật về kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm đối với người lao động trong doanh nghiệp tư nhân, đơn vị sự nghiệp, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, việc tín chấp cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hay quản lý, khai thác các công trình nước phục vụ sinh hoạt…
Có thể nói, hoạt động tuyên truyền luôn được gắn với các vấn đề cấp thiết, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú nên có tác dụng thúc đẩy phát triển nhiều mặt trong đời sống cộng đồng dân cư. Cùng với đó, ông Ma Phúc Sơn nhấn mạnh, những vướng mắc, tồn tại ở cơ sở đã được MTTQ phối hợp với chính quyền thông qua việc đối thoại với nhân dân để tìm các giải pháp tháo gỡ khó, nhất là khi đối thoại phải quan tâm tới các lợi ích của người dân.
Cụ thể, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, chính quyền huyện đã tổ chức một số cuộc đối thoại với nhân dân như: UBND huyện đối thoại với bà con thôn Bản Dạ và thôn Nà Xé xã Bình An về sự cố môi trường tại Nhà máy luyện antimon Bảo Âu. UBND xã Thượng Lâm tổ chức đối thoại với 14 thôn về phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình An tổ chức 5 cuộc đối thoại với các thôn bản về vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Đáng chú ý, Hội nghị đối thoại về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh huyện Lâm Bình cũng đã dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức, cá nhân khác đối thoại làm rõ thêm về những cơ chế chính sách đã và đang được huyện áp dụng như về vốn, đất đai…từ đó có định hướng và tiến tới tham gia đầu tư vào các dự án trên địa bàn.
Với tinh thần cởi mở, cầu thị, lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn, thông qua Hội nghị đối thoại về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh huyện Lâm Bình đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi công tác cải cách hình chính, mở ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Qua đối thoại, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã của huyện Lâm Bình đã chỉ đạo kịp thời để giải quyết những bức xúc, băn khoăn của nhân dân. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng đề nghị, các đơn vị phấn đấu năm 2018, toàn huyện đạt 100% thủ tục hành chính được cập nhật, công bố công khai để doanh nghiệp, người dân tiếp cận, tìm hiểu. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đạt từ 80% trở lên.
Lâm Bình cũng phấn đấu đến hết năm 2018, vị trí xếp hạng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (DCI) của huyện nằm trong nhóm các địa phương xếp thứ hạng tốt, từ 66,98/100 điểm năm 2017, tăng lên 80 điểm năm 2018. Qua đó góp phần tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Lâm Bình.
* Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, chính quyền huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã tổ chức một số cuộc đối thoại với nhân dân như: UBND huyện đối thoại với bà con thôn Bản Dạ và thôn Nà Xé xã Bình An về sự cố môi trường tại Nhà máy luyện antimon Bảo Âu. UBND xã Thượng Lâm tổ chức đối thoại với 14 thôn về phát triển kinh tế xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình An tổ chức 5 cuộc đối thoại với các thôn bản về vai trò giám sát, phản biện xã hội...