Tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020, định hướng xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn để không sao nhãng công việc.
Thành quả từ xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh.
Đó cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong xây dựng NTM. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cũng như phải được sự đồng thuận của người dân.
So với một số vùng khác, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có một số thuận lợi khi xây dựng NTM. Đây là cơ sở để vùng này về đích sớm. Về đích nhưng không dừng lại, không nghỉ ngơi mà vẫn phải tiếp tục phấn đấu, từ đạt chuẩn phải nâng dần số xã, số huyện, số tỉnh/thành lên thành NTM kiểu mẫu. Có thể ví, đây như một cuộc chạy marathon, đòi hỏi sức bền và quyết tâm rất cao.
Trong phong trào xây dựng NTM, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện những mô hình mới, cách làm hay. Như chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng NTM cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định… Một trong những nguyên nhân quan trọng để có được kết quả ấy chính là sự đồng thuận của người dân. Ở đây, vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp là rất quan trọng. Cán bộ Mặt trận ở cơ sở là những người gần dân, lắng nghe thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, là sợi dây gắn kết cộng đồng, từ đó tạo ra sự đồng thuận. Cũng cần nhắc lại, tinh thần cơ bản của Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể xây dựng NTM. Tại những nơi hoàn thành xây dựng NTM, vươn tới NTM kiểu mẫu đều cho thấy người nông dân trong các xã chính là chủ thể. Họ vừa có trách nhiệm, vừa là đối tượng thụ hưởng thành tựu của NTM.
Bài học dân là gốc, với chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không bao giờ cũ, mà càng nổi lên trong xây dựng NTM. Có đầu tư bao nhiêu đi chăng nữa, có hô hào bao nhiêu đi chăng nữa mà người dân không đồng thuận thì không thể xây dựng NTM thành công. Ở những địa phương đạt chuẩn NTM, người ta thấy rất rõ vai trò của Ban Công tác Mặt trận, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Chính những cán bộ Mặt trận “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là hạt nhân quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân vào cuộc xây dựng làng xóm của mình. Nếu người dân không thông suốt thì không thể có chuyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đất để xây trường học, trạm y tế. Và không thông suốt thì người dân cũng không bỏ công bỏ sức ra.
Từ đó có thể khẳng định, muốn xây dựng NTM thành công, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu thì quan trọng bậc nhất là sự đồng thuận của người dân. Mà muốn thế, công tác tuyên truyền, vận động phải bền bỉ, phải thấu tình đạt lý. Suy cho cùng, người nông dân chỉ ủng hộ khi họ thấy cán bộ gương mẫu, nói đi đôi với làm và thấy được thành quả của công việc.
Chặng đường phía trước xây dựng NTM, nông thôn mới kiểu mẫu vẫn còn nhiều khó khăn. Vì rằng những nơi chưa đạt chuẩn chính là những địa phương khó nhất. Đó là những địa phương nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế. Nhất là ở những vùng núi cao, các xã vùng sâu vùng xa. Ở đó, không phải người ta không muốn xây dựng NTM mà “cái khó bó cái khôn”; huy động đóng góp của không dễ vì bà con còn nghèo, cùng đó là tìm ra được cách làm hợp lý, hiệu quả trong điều kiện khó khăn nhiều bề là không dễ. Thiếu tiền, bí cách làm được coi là những sợi dây trói trong việc xây dựng NTM ở vùng khó.
Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa, chính là đích đến của NTM đó chính là nâng cao đời sống của người dân, thu nhập của người dân phải được nâng lên. Đường làng ngõ xóm phong quang, đầy đủ trường lớp, trạm y tế, vệ sinh môi trường tốt…, những tiêu chí ấy dẫu có đạt được nhưng thu nhập thực tế của người dân không tăng lên thì có thể nói là chưa hoàn thành NTM. Đạt chuẩn NTM rồi nhưng thanh niên vẫn dời làng ra đi, thì cũng có nghĩa là quê hương không đủ sức níu chân họ.
Và, cũng rất quan trọng là sau khi được công nhận NTM nếu chủ quan, tự mãn thì không bao lâu sẽ lại trở về xuất phát điểm ban đầu. Điều đó cần phải được nhận thức đầy đủ một cách rất trách nhiệm, vì rằng sự nghiệp xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.