Trước hiện trạng nhiều cán bộ y tế cơ sở của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung bỏ nghề, nhiều địa phương đang lo lắng thiếu nhân lực để ứng phó với đại dịch Covid-19 nếu có diễn biến phức tạp. Hầu hết các nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công việc, do hoàn cảnh gia đình, yếu tố cá nhân.
Hiện, số lượng nhân viên y tế trên bình quân dân số đang ở mức thấp, thậm chí có địa phương là rất thấp, dẫn đến công việc quá tải khi có dịch bệnh xảy ra. Đơn cử, TP HCM chỉ có khoảng 2,31 nhân viên y tế cơ sở trên 10.000 dân, thấp hơn trung bình cả nước (7 người). Thử hình dung, chỉ có hơn 2 người liệu có thể “lo” được cho 10.000 người?
Tỷ lệ giữa nhân viên y tế cơ sở và số dân đã thấp, đãi ngộ lại chưa tương xứng với công việc khiến không ít người chán nản muốn nghỉ việc. Đó là còn chưa kể công việc của nhân viên y tế cơ sở hiện nay đang quá đơn giản, không thực sự tạo động lực trong công việc để họ có niềm vui, cố gắng phấn đấu nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Cụ thể, nhiệm vụ chính của nhân viên y tế cơ sở hiện nay chủ yếu là công việc hành chính như thu thập số liệu, thống kê, điều tra sức khỏe, dinh dưỡng, tổ chức tiêm chủng, vận động sinh đẻ có kế hoạch... Đây là những công việc ở trên giao xuống mà chưa gắn bó trực tiếp nhu cầu người dân, ít liên quan đến chuyên môn được đào tạo.
Thực tế có một bất cập, đó là trong hoàn cảnh bình thường thì công việc của nhân viên y tế cơ sở không nhiều và khá đơn giản. Nhưng khi có dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng thì lực lượng này lại quá thiếu và quá yếu. Không chỉ quá tải công việc, họ còn lúng túng trong vấn đề chuyên môn bởi lâu không hành nghề.
Còn nhớ, rất nhiều Bộ trưởng Bộ Y tế trong các nhiệm kỳ từng hứa trước Quốc hội rằng, sẽ quan tâm đúng mức, đầu tư xứng đáng cho y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện Trung ương. Song, trải qua vài thập kỷ, tuyến y tế cơ sở vẫn là nơi yếu nhất khiến người dân chưa tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh.
Hiện y tế cơ sở không chỉ yếu về nhân lực, mà còn thiếu mọi điều kiện cơ sở vật chất khám chữa bệnh. Đãi ngộ chưa tương xứng, thu nhập ít ỏi, lại thêm cơ sở vật chất “thiếu ngược, thiếu xuôi” thử hỏi làm sao các nhân viên y tế cơ sở không chán nản muốn nghỉ việc, dù họ rất tâm huyết với nghề?
Trong điều kiện bình thường đã khó “giữ chân” các nhân viên y tế cơ sở, nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, công việc tăng lên gấp bội, thì việc nhiều người bỏ nghề là điều tất yếu phải xảy ra. Vẫn biết, thực tế cũng có người đi làm không phải vì đồng lương, nhưng cần có cơ chế để tạo cho họ niềm vui, sự đam mê nghề nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tuyến y tế cơ sở trở thành nơi tìm đến đầu tiên của người dân, thay vì vượt tuyến, thì những nơi này phải phát triển năng lực đủ mạnh, tạo được sự tin tưởng. Muốn vậy, các trạm y tế phải được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, được cấp đủ các loại thuốc trị bệnh thông thường, cần thiết cho người dân đến khám.
Hơn thế nữa, các nhân viên y tế cơ sở cần phải được quan tâm đúng mức, cần được tạo điều kiện phát huy nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu để công việc có ý nghĩa, gắn bó họ hơn với công việc. Quan trọng hơn, ngoài việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất khám chữa bệnh, điều kiện làm việc, cũng cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ thích hợp mới mong họ gắn bó lâu dài với công việc.