Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỉ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, ngày 22/11, tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, nhóm Đình làng Việt tổ chức triển lãm “Linh vật Việt” với hơn 200 hiện vật được lựa chọn trưng bày.
Nghê gỗ phóng tác theo nguyên mẫu Nghê thế kỷ thứ 16. Ảnh: Thành Trung.
Cùng với các linh vật được sưu tầm tại các di tích của nhóm Đình làng Việt trong suốt 2 năm qua, triển lãm cũng trưng bày nhiều hiên vật của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng linh vật do các nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện. Kết hợp với đó là những tương tác 3D về linh vật, nhằm tạo sự hấp dẫn với người xem.
Và trong hành trình mang linh vật Việt xích lại gần hơn với cộng đồng, có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Đó là trường hợp chàng trai trẻ mới 20 tuổi – Nguyễn Trí Quang đã đưa hình ảnh hàng trăm linh vật Việt cổ scan 3D rồi đưa lên mạng internet.
Trong số đó, có nhiều linh vật với giá trị độc đáo như: Sư tử đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh); bệ sư tử thời Lý còn tương đối hoàn hảo thuộc loại lớn nhất Việt Nam tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên); nghê đá ở bậc thềm Đại nội Huế; rồng đá cổ chầu bên điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)...
Hình ảnh 3D các linh vật truyền thống được Quang đưa lên, cho phép người xem quay đa chiều để quan sát ở nhiều góc độ, có thể phóng to, thu nhỏ, zoom vào từng chi tiết.
Thế nhưng, ít ai biết rằng những sản phẩm vô cùng hữu ích của Quang lại đang thực hiện từ nguồn tài trợ chính là từ gia đình. Em hoàn toàn không được các cơ quan chức năng hỗ trợ cả về công nghệ lẫn kinh phí.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình – trưởng nhóm Đình làng Việt chia sẻ, trong quá trình đi sưu tập, tìm hiểu về linh vật nhóm rất khó tiếp cận với một số BQL di tích. Thực tế hiện nay để làm ra một linh vật như nguyên mẫu không dễ dàng chút nào.
Nghệ nhân ngoài tay nghề họ còn phải thẩm thấu được các giá trị nghệ thuật của linh vật. Ngay những các đường nét hoa văn trang trí trên linh vật nếu nhìn tưởng như hết sức đơn giản nhưng đòi hỏi phải là những người thợ lành nghề, lâu năm mới có thể làm ra được. Bởi không chỉ phục dựng lại thông qua tài liệu có sẵn mà mỗi linh vật khi làm ra phải thể hiện được tinh thần trên sản phẩm.
Ông Bình cũng dẫn chứng mới đây Đà Nẵng tổ chức một cuộc thi sáng tác linh vật thuần Việt nhưng cuộc thi không mang lại hiệu quả. Hầu hết các thí sinh dự thi đều chưa hiểu hết về giá trị của linh vật.
Thậm chí, nhiều tác phẩm khi hoàn thiện chẳng khác mấy các linh vật ngoại lai trước đó. Thực tế cũng cho thấy hiện nay ngay các nhà điêu khắc, nghệ nhân có tay nghề ở Hà Nội cũng mới chỉ dừng lại việc phục dựng chứ hoàn toàn chưa có những sáng tác biểu trưng linh vật mới.
Cái khó là giờ đây việc đưa linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích cũng đang dang dở…Có những nơi BQL rất quyết liệt nhưng do mối quan hệ dòng họ khó có thể di dời các linh vật ngoại lại.
Vì thế theo ông Bình, cần phải có một chiến lược tuyên truyền cho linh vật Việt. Hiện nay việc quảng bá linh vật Việt mới chỉ dừng lại thông qua các sự kiện. Với công chúng, phải hiểu giá trị của linh vật thì mới có thể yêu và đứng ra để bảo vệ di sản.
Triển lãm “Linh vật Việt” sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.