Sau khi bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, nhiều nghệ sĩ đã có lời xin lỗi công chúng. Nhưng cho đến nay vẫn chưa một ai bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày nay, do nhu cầu giải trí tăng cao, nhiều người biết đến Youtube, Facebook, Tiktok… Lợi dụng cơ hội đó, không ít nhãn hàng sẵn sàng trả tiền cho người nổi tiếng để giúp mình quảng cáo. Khi trở thành gương mặt đại diện cho một hoặc vài nhãn hàng thì người nghệ sĩ sẽ nhận được một khoản tiền không nhỏ. Có lẽ cũng vì khoản lợi nhuận đó đã khiến cho không ít người của công chúng trở nên “dễ dãi” khi nhận lời quảng bá sản phẩm, bất chấp hậu quả khó lường có thể xảy ra đối với người hâm mộ.
Trong số đó, có nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm mà chính họ còn chưa sử dụng bao giờ. Và chỉ sau khi bị phát hiện, phanh phui trước bàn dân thiên hạ thì nghệ sĩ mới chính thức có lời xin lỗi kèm theo những lời giải thích cho cái sai của chính mình.
Nghệ sĩ Quyền Linh, người từng quảng cáo khẳng định sản phẩm anh đang giới thiệu có khả năng điều trị tốt gấp 70 lần so với curcumin bình thường - chức năng không được ghi trong giấy xác nhận quảng cáo do Cục An toàn Thực phẩm cấp, bày tỏ sự hối hận: “Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình. Đây là bài học để tôi rút kinh nghiệm. Tôi chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng”.
Hay gần đây, NSND Hồng Vân đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân lời xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm thiếu chất lượng: “Vân xin cúi đầu nhận lỗi vì đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm mình quảng cáo. Là một nghệ sĩ nhận được nhiều tình cảm và sự ủng hộ, tin tưởng của công chúng. Vân vô cùng hối tiếc khi không ý thức được hết trách nhiệm của mình. Vân xin lỗi vì đã làm việc thiếu thận trọng”.
Kèm với đó là những lời giải thích: “Trước khi nhận quảng cáo, Vân có xem xét giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn của cục y tế. Tuy nhiên, đoạn phim quảng cáo lại làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về thuốc và thực phẩm chức năng, khiến khán giả bức xúc”.
Không chỉ có Quyền Linh, Hồng Vân mà trên thực tế, nhiều nghệ sĩ khác cũng bị tố quảng cáo sai sự thật nhưng đến nay vẫn im lặng.
Chắc hẳn mọi người vẫn chưa thể quên vụ “11 tỷ đồng mỹ phẩm giả” từ một công ty phân phối xảy ra vào năm 2017. Nhiều nghệ sĩ bị cư dân mạng lên án vì đã tiếp tay cho lừa đảo, lợi dụng lòng tin yêu của người hâm mộ. Và còn nhiều lùm xùm khác của giới nghệ sĩ liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm kém chất lượng diễn ra trong quá khứ nhưng không một nghệ sĩ nào bị xử lý. Chính việc không xử lý nghiêm đã dẫn đến tình trạng quảng cáo tràn lan như hiện nay, mất kiểm soát.
Việc các nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo đối với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là chuyện bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật. Khi nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng thì đó lại là việc làm sai trái, vi phạm pháp luật bởi nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe, tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế cho những người đã tin tưởng vào họ. Nghệ sĩ cũng phải bình đẳng trước pháp luật như các công dân khác. Có nghĩa là phải xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Với việc công khai xin lỗi của một số nghệ sĩ phần nào nhận được sự đồng cảm của dư luận. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử phạt theo quy định của pháp luật để có tính răn đe. Bởi sản phẩm mà những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là những thứ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người có thể gây nguy hiểm bất cứ khi nào. Không phải nghệ sĩ làm sai xong công khai xin lỗi là được quyền cho qua.
Theo Điều 50, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/6 thì hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thuốc có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Thậm chí thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Mới đây, Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối các trường hợp có sai phạm.
Dư luận vẫn đang chờ kết quả kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng liên quan đối với những hành vi có dấu hiệu lợi dụng sự nổi tiếng để lừa dối, tiếp tay cho kẻ xấu lừa đảo người tiêu dùng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.