Quảng Nam: Hàng loạt dự án trăm tỷ chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai?

Tấn Thành - Chí Đại 26/08/2023 11:49

Tại Quảng Nam hiện nay có nhiều cây cầu, tuyến đường của những dự án hàng trăm tỷ đồng từ đồng bằng đến miền núi đang dở dang, chậm tiến độ hàng năm trời, thậm chí có công trình còn bị nhà thầu “bỏ chạy”. Càng đáng nói khi những dự án này đều do một đơn vị hay nhóm liên danh thực hiện. Vậy tại sao với cách làm như trên các đơn vị này vẫn được đấu thầu, trúng nhiều gói thầu và hậu quả đã nêu ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Như tại huyện Duy Xuyên có “Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước”, trong đó có cầu Tây An 1 và cầu Tây An 2, với vốn đầu tư 250 tỷ đồng, do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh Công ty Thanh Tùng - Minh Khang - Thái Dương ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là dự án mà người dân rất kỳ vọng, thế nhưng khởi công từ năm 2000 đến nay vẫn chưa được hoàn thành khiến bà con rất thất vọng.

Đường dẫn lên cầu Tây An 2 chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, dự án này là công trình lớn, trọng điểm của huyện, sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải ách tắc giao thông trên quốc lộ 14H, đồng thời thay đổi diện mạo phát triển cơ sở hạ tầng chung và giúp liên kết phát triển đô thị thị trấn Nam Phước.

Còn bà Nguyễn Thị Thành ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên cho rằng: “Bà con chúng tôi rất đồng tình ủng hộ vì dự án xây dựng xong giao thông an toàn hơn, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Mùa mưa bão trở thành con đường tránh lũ. Thế nhưng bao năm qua tuyến đường vẫn chưa xong bà con quá thất vọng”.

Dự án quan trọng và được kỳ vọng như vậy nhưng trải qua nhiều năm thi công dự án hiện nay vẫn đang dang dở, 2 cây cầu đã xây gần hoàn thành nhưng lại không có đường dẫn với lý do do thiếu đất đắp nền và nhiều nguyên nhân khác.

Đường dẫn lên cầu Tây An 1 vẫn chưa được đắp đất nền.

Chưa hết, tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có Dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn huyện Núi Thành được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với tổng chiều dài 4,18km, có tổng mức dự án 220 tỷ đồng, do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ đầu năm 2018-2022 cũng do nhà thầu là Công ty TNHH Thanh Tùng thi công đến nay vẫn dang dở.

Hai dự án nói trên được cho là thiếu đất đắp nền và chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Trần Quyết Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng (nhà thầu thi công) thừa nhận: “Việc chậm thi công cầu Tam Tiến là do chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng cho công ty và vật liệu như đất để đắp nền không đủ đáp ứng thi công. Hiện chúng tôi vẫn đang thi công theo kiểu cầm chừng”.

Một số trụ cầu Tam Tiến xây giữa sông Trường Giang.

Không chỉ những dự án nói trên mà các đơn vị này đã trúng thầu hàng loạt dự án khác, nhưng có dự án thì chậm tiến độ, có dự án đơn vị thi công “bỏ chạy”. Như tại huyện Phước Sơn, Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết tuyến đường ĐH1.PS và ĐH2.PS có chiều dài 40km đi qua 4 xã của địa phương, tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Tuy nhiên, gần 3 năm qua dự án này vẫn ì ạch.

Đáng lo ngại, tại Báo cáo số 227/BQL của Ban quản lý dự án (BQLDA) huyện Phước Sơn nêu rõ: “Hiện các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; có nhà thầu không triển khai thi công (Công ty TNHH MTV Nguyên Khang), hiện trạng trên tuyến này do mưa lũ thường xuyên nên đã xói lở nền mặt đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, phát sinh thêm khối lượng so với thiết kế”.

Đường ĐH2.PS từ xã Phước Thành đi xã Phước Lộc đang thi công dang dở.

Trong khi đó tại huyện Bắc Trà My, Dự án thi công đường giao thông đến Trung tâm xã Trà Bui (đường ĐH8), đơn vị trúng thầu cũng là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thanh Sơn – Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương với mức giá trúng thầu là trên 109 tỷ đồng, khởi công ngày 7/2/2020 và hoàn thành ngày 22/1/2023. Thế nhưng hiện nay dự án này nhà thầu đã “bỏ chạy”.

Trong Báo cáo số 647/BC-UBND, của UBND huyện Bắc Trà My gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư và UBND tỉnh Quảng Nam về nguyên nhân chậm tiến độ nêu rõ: “Việc chậm trễ thi công tuyến đường ĐH8 có nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nhất cả hai nhà thầu đều không có sự phối hợp trong biện pháp thi công (vận chuyển vật liệu); bố trí nhân lực, cán bộ kỹ thuật không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu”.

Đường xây dựng dang dở khiến lưu thông của người dân khó khăn

Trước tình thế này, huyện Bắc Trà My đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc, xin tạm dừng dự án và đề xuất chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà thầu Công ty Thanh Sơn – Thái Dương, huyện sẽ tính đến việc kiểm tra khối lượng thực tế thi công trên công trường, làm rõ trách nhiệm và vi phạm của nhà thầu (nếu có), từ đó đề xuất phương án đấu thầu lại hoặc chỉ định thầu để chọn nhà thầu khác tiếp tục thi công.

Lãnh đạo một sở khẳng định với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết: Nếu nói thiếu đất nền mà dự án chậm tiến độ thì không thể chấp nhận được. Bởi vì thông thường, tại hồ sơ mời thầu đã bắt buộc khi một nhà thầu tham gia dự thầu phải phải đi khảo sát trữ lượng các mỏ vật liệu phục vụ cho công trình, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có hợp đồng với đơn vị mỏ cung cấp. Mỏ phải còn hiệu lực cấp phép trong thời gian thi công mới đáp ứng yêu cầu và trúng thầu.

Chẳng biết đến khi nào cầu Tam Tiến được xây dựng xong?

“Như vậy, nếu nói không có đất đắp nền là sai so với tiêu chí hồ sơ mời thầu và nội dung cam kết của hồ sơ dự thầu. Trách nhiệm chính là của nhà thầu trong việc tìm vật liệu, nếu không có gần thì phải tìm xa. Đây có thể coi là không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, không hoàn thành hợp đồng. Đây là một yếu tố quan trọng, cộng với thi công chậm hay nhà thầu “bỏ chạy” để xét duyệt không cho các đơn vị này tiếp tục tham gia đấu thầu”, vị này nói.

Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra, trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở đâu, khi những đơn vị trúng thầu thi công chậm, thậm chí “bỏ chạy” mà trúng nhiều gói thầu? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi hàng loạt công trình tiền trăm tỷ chậm tiến độ năm này qua năm khác, hay thậm chí đã “đứng bánh” hoàn toàn?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Hàng loạt dự án trăm tỷ chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO