Những ngày này tại Quảng Nam nắng nóng liên tục khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lao động. Có những thời điểm họ phải mưu sinh vất vả dưới nhiệt độ gần 39 độ C.
Ghi nhận của chúng tôi, trưa 25/4, tại TP Tam Kỳ và các huyện lân cận như: Phú Ninh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nhiệt độ ngoài trời cao nhất có lúc gần 39 độ C. Tại các tuyến đường như: Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi, Trưng Nữ Vương;… thuộc TP Tam Kỳ, nhiều người lao động cần mẫn làm việc dưới thời tiết nắng oi bức.
Hình ảnh đẫm mồ hôi và vất vả nhất là những người nông dân đang làm việc trên các cánh đồng, hay trên các đường phố như nhặt ve chai, công nhân công ty vệ sinh môi trường dọn dẹp rác thải ở phố thị hay bán hàng rong…
Trưa ngày 25/4, tại một công trình xây dựng nhà trên đường Lê Lợi, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, 5 công nhân đang thay nhau hoàn tất các phần việc. Anh Nguyễn Minh Tâm, công nhân xây dựng cho biết: “Nắng nóng nhưng để sớm hoàn thành ngôi nhà ở cho một chủ hộ, chúng tôi phải cố gắng làm việc, đẩy nhanh tiến độ sớm nhất có thể”.
Trong khi đó trên cánh đồng ở xã Tam An, huyện Phú Ninh, chúng tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị Liễu đang việc ở đây, bà Liễu cho biết: “Hơn 2 tuần qua, thời tiết ở địa phương nắng nóng, nhiều lúc nhiệt độ ở ngoài trời lên đến 39 độ C. Với sức nóng như thế này, người lao động như tôi dễ bị say nắng. Thế nhưng công việc lao động ngoài trời nên tôi vẫn cố gắng hoàn thành công việc của mình”.
Trong khi đó, 12h trưa, ông Huỳnh Lại, ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, dù trời nắng nóng ông vẫn miệt mài rong ruổi trên các tuyến đường TP Tam Kỳ như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương để bán hàng rong. Ông Lại cho hay: “Tôi bị liệt một chân nên gặp vô vàn khó khăn trong việc di chuyển. Hằng ngày, tôi chạy xe máy đi bán các mặt hàng như tăm bông, bấm móng tay, miếng rửa chén... Mấy hôm nay, chạy xe ngoài đường mà áo ướt sũng vì nóng toát mồ hôi”.
Nhiều lao động cho biết, nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua, đặc biệt là một tuần trở lại đây, đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc mưu sinh của họ. Bình thường, họ làm từ sáng đến 11 giờ 30 phút mới nghỉ ngơi để ăn uống. Những lúc nắng nóng quá, họ tìm bóng râm để để nghỉ ngơi cho đỡ mệt và sau đó tiếp tục công việc của mình.
TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi các Sở, Ban ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về yêu cầu và hướng dẫn việc dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng. Theo đó để bảo vệ sức khỏe của người dân Sở Y tế đã yêu cầu: Các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị, nhân dân trên địa bàn các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.
“Phải khẩn trương tổ chức tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; rà soát, bổ sung đủ cơ số thuốc cấp cứu, trang thiết bị, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra”, TS Mai Văn Mười nhấn mạnh.