Sáng 23/11, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025”.
Quang cảnh Hội nghị.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đồng chủ trị hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu lãnh đạo MTTQ các huyện miền núi tỉnh và các nhà khoa học am hiểu về văn hóa của từng dân thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thừa nhận thực tế là: Một số loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một; trang phục truyền thống thường chỉ được sử dụng trong các ngày lễ hội, các bộ cồng/trống - chiêng của nhân dân đang dần bị hư hỏng do thời gian; các điệu múa cồng/trống - chiêng chủ yếu tập trung vào những người lớn tuổi; hầu hết các thôn, xã không có cồng/trống - chiêng nên rất khó khăn trong tổ chức các hoạt động; các loại hình dân ca, dân vũ ít được sử dụng, lưu truyền và phổ biến, đặc biệt trong lớp trẻ; việc truyền dạy di sản trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị như: Hỗ trợ cồng/trống - chiêng cho các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số; truyền dạy kỹ năng thực hành di sản thuộc mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch tại địa phương; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống tiêu biểu; phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ hoặc các đội văn nghệ thuật truyền thống; đưa nội dung di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú…
Ông Nguyễn Anh Cả, Chủ nhiệm HĐTV kinh tế- xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam kiến nghị.
Ông Nguyễn Anh Cả, Chủ nhiệm HĐTV kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Nhu cầu bức thiết của địa phương hiện nay là sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian của 4 nhóm dân tộc, có cơ chế chính sách cho nghệ nhân để họ truyền bá, hướng dẫn từng loại hình nghệ thuật cho dân tộc họ (kể cả vật thể và phi vật thể) thông qua các loại hình câu lạc bộ gắn với tính bản địa để họ tự quản, tự truyền, việc này chắc trường học không thể làm được như dự án nêu”.
Cũng theo ông Cả, hiện tại một số nhóm dân tộc, tiếng nói, chữ viết đã mai một thậm chí phát ngôn không chính xác tiếng bản địa của dân tộc mình, do vậy cần đầu tư, sưu tầm, giảng dạy trong trường học. “Việc này nên giao lại cho địa phương gắn với nhà trường thực hiện”.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 130.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,93% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu tại 74 xã/389 thôn/706 điểm dân cư thuộc 11 huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số bản địa có khoảng 125.000 người gồm 4 thành phân dân tộc người là Cơtu, Xê đăng, Cor và Gié- Triêng; trong đó tộc người Cơtu có khoảng 50.200 người…