Đối diện với cơn bão Trà Mi (có tên quốc tế là Trami), lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với công tác ứng phó.
Sẵn sàng di dân đến nơi an toàn
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, theo dự báo Trà Mi là cơn bão lớn, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam nên yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương phải thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để chỉ đạo sát tình hình thực tiễn. Trong đó, phải thường trực 24/24 tại đơn vị.
Theo đó, hiện nay các địa phương đã lên phương án di dời hàng trăm ngàn người khi bão Trà Mi đổ bộ. Cụ thể, tỉnh đã lập 2 phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương. Trong trường hợp bão mạnh, cả tỉnh sẽ di dời 212.000 người. Nếu siêu bão sẽ di dời 396.000 người. Người dân vùng xung yếu sẽ được di dời đến ở xen ghép tại các nhà kiên cố hoặc sơ tán tập trung đến các cơ quan công sở, trường học để tránh bão.
Tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu địa phương tuyên truyền, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chủ động hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra…
Ngoài ứng phó với bão, tỉnh Quảng Nam cũng chủ động phòng tránh sạt lở, ngập lụt trước dự báo mưa lớn kéo dài nhiều ngày. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng và người dân địa phương tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến khó lường của thiên tai.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó; tập trung kiểm tra, rà soát kịp thời và huy động lực lượng tổ chức sẵn sàng sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn, theo phương châm 4 tại chỗ đã được phê duyệt trong phương án của địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi đang bị xuống cấp, nhất là các hồ chứa đã có biểu hiện nguy hiểm; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, theo dõi và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra công trường và chỉ đạo chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối, vùng ven biển, chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động.
Tranh thủ cập bờ bán cá
Sáng 24/10, tại cảng cá Tịnh Kỳ thuộc xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tàu cá đã về bờ, bán cá sớm để neo đậu tránh trú bão Trà Mi. Các ngư dân hối hả bốc cá dưới hầm đá lên bờ bán cho thương lái. Trong đó, có những chiếc tàu cá chấp nhận bỏ dở phiên biển, chạy tàu về kịp bán những mẻ cá cuối cùng để neo tàu tránh bão.
Ông Trần Quốc Khanh ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi là thuyền trưởng tàu QNg-92486 TS cho biết: “Tàu tôi cập cảng bán 15 tấn cá chuồn cho thương lái, giá hiện tại khoảng 22.000-25.000 đồng/kg. Tàu tôi hoạt động trên biển gần 30 ngày, cá cũng gần đầy hầm đông và nhận được thông tin về bão Trà Mi nên phải lo về, nhiều tàu khác cũng phải quay về sớm hơn để lo tránh bão”.
Các ngư dân cho biết, sau khi bốc hết cá lên bờ, neo thuyền an toàn, họ tranh thủ trở về nhà để lo chằng chống nhà cửa.
Lãnh đạo 2 tỉnh nói trên cũng đã chỉ đạo, thông báo cho tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi không được chủ quan, phải nhanh chóng di chuyển để tránh trú; tổ chức kiểm đếm các tàu thuyền đang hoạt động trên biển; quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.