Tại Quảng Nam, bão số 5 gây mưa lớn trên diện rộng làm thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và tài sản của nhân dân, chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả để ổn định đời sống người dân.
Sáng ngày 13/9 phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã đi tìm hiểu việc khắc phục hậu quả bão sô 5 tại nhiều địa phương. Theo đó, trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành;… thuộc tỉnh trời đã tạnh mưa, một số diện tích hoa màu của nông dân bị ngập nước đang bắt rút nước, người dân ra đồng tranh thủ thu hoạch.
Một số tuyến đường từ xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh đi xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ vẫn còn ngập nước sâu, khiến các phương tiện đi lại không được, một số khu dân cư nằm trong vùng trũng thấp vẫn còn ngập nước. Tuy nhiên những nơi rút nước bà con đang lo dọn dẹp lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, tranh thủ thu hoạch hoa màu.
Tại huyện Phú Ninh, bà Nguyễn Thị Hòe, trú xã Tam An cho biết: “Mưa bão đã làm 5 sào sắn, 10 sào lúa của gia đình tôi bị ngập nước chắc hư hỏng hết. Hiện giờ tôi tranh thủ nước rút để gặt lúa về cho trâu, bò ăn. Chứ lúa ngâm trong nước mọc mầm không thể sử dụng lương thực được. Coi như vụ hè thu này gia đình tôi mất trắng”, bà Hòe chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng, trú xã Tam Đàn cho biết: “Sáng nay, nước trong nhà bắt đầu rút xuống, gia đình tôi lo khiêng các vật dụng kê cao tránh lũ đặt lại vị trí thấp và quét dọn sân vườn để đảm bảo vệ sinh môi trường, để ổn định đời sống trở lại”. Đó cũng là việc làm của nhiều người ở vùng đồng bằng hiện nay.
Trong khi đó ở huyện miền núi, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Hiện tại mực nước sông ở thôn Trà Vân A, xã Phước Kim rút xuống bà con có thể đi lại được nên không còn bị chia cắt; đoạn đường từ xã Phước Công đi xã Phước Lộc bị sạt lở đất một số điểm, đang đưa phương tiện máy móc khắc phục để đảm bảo an toàn người dân đi lại”.
Ông Trung cũng cho biết, trước khi bão số 5 đổ bộ gây mưa lớn, để đảm bảo đời sống bà con vùng sâu, vùng xa, phòng bị cô lập, địa phương đã chuyển 14 tấn gạo cho ba xã vùng cao huyện này.
Báo cáo ban đầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có 3 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó xã Phước Thành, huyện Phước Sơn 2 nhà bị sạt lở núi gây hư hỏng hoàn toàn; xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành có 1 nhà bị cây ngã gây đổ tường, sập mái ngói. 2 chiếc ghe máy dưới 20CV ở huyện Núi Thành bị sóng đánh chìm. Xã Bình Đào, huyện Thăng Bình hiện tại có khoản trên 6ha nuôi tôm của 12 hộ dân bị ngập lụt và thiệt hại;…
Trong khi đó nhiều tuyến đường miền núi bị sạt lở hư hỏng nặng. Như tại huyện Bắc Trà My, tuyến Trà Đốc đi Trà Bui; tuyến Trà Giác đi Trà Ka bị sạt lở nhiều nơi. Huyện Phước Sơn, nhiều tuyến đường ĐH của các xã Phước Công, Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc;…bị sạt lở nặng gây gián đoạn giao thông. Kè Chợ Hội An bị sụt lún khoảng 5m trên bề mặt, phía dưới rỗng hàm ếch. Công trình bờ kè khu tái định cư giai đoạn 3 thuộc dự án tuyến QL1A thuộc huyện Thăng Bình bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến nhà dân.
Về hoa màu, ông Trương Văn Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, có trên 3.100 ha hoa màu bị ngập úng gồm. Trong đó những nơi thiệt hại nặng như thị xã Điện Bàn 850 ha, Núi Thành 406 ha, Quế Sơn 283,70 ha, Duy Xuyên 368 ha, Thăng Bình 299 ha, Tam Kỳ 287 ha,…
Hiện các địa phương đang tích cực cho việc khắc phục hậu quả của mưa bão. Chủ yếu tập trung khắc phục sạt lở các tuyến đường để thông tuyến, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường,…
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông, hiện tại các điểm sạt lở đã được ngành chức năng địa phương tập trung khắc phục. Những điểm nặng đã kiến nghị tỉnh sớm chỉ đạo ngành chức năng khắc phục để người dân đi lại an toàn.
Trong khi đó, ngay từ ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có đã có văn bản số 6384 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ.
Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài TN&MT, GTVT; BCĐ quốc gia về PCTT; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao thường trực BCĐ quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN và bộ ngành có liên quan, đặc biệt là lãnh đạo địa phương đã chủ động, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển và bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: yêu cầu BCĐ quốc gia về PCTT, các bộ ngành và địa phương khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm ATGT, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân. Cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.