Theo kết luận thanh tra: Nhằm tháo gỡ khó khăn của nhà đầu tư để dự án sớm hoàn thành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chỉ đạo để xử lý vụ việc, cho chủ trương điều chỉnh dự án; Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi (BQL) yêu cầu, đôn đốc, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn không thực hiện dự án.
Để tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến Dự án Khu du lịch (KDL) Thiên Đàng chậm tiến độ và không được triển khai như hiện nay, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Văn Hải - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Nam Quảng Nam (chủ đầu tư). Tuy nhiên ông Hải cho biết: “Dự án KDL Thiên Đàng hiện nay đang trong giai đoạn thanh tra và các sở, ban, ngành đang kiểm tra nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí được”.
Kết quả thanh tra cho thấy: Trong quá trình thực hiện, dự án bị ảnh hưởng của cơn bão số 9/2009, nhiều hạng mục công trình đã đầu tư giai đoạn 1 bị hư hỏng. Nhà đầu tư đã tiến hành sửa chữa những hạng mục hư hỏng này; lập và trình hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng. Đến năm 2013, nhà đầu tư phát sinh hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án lần 2; BQL đã xem xét và có văn bản đề nghị chỉnh sửa và giải trình một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh nhưng nhà đầu tư không thực hiện.
Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo BQL phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị làm việc với nhà đầu tư vào ngày 24/4/2015 và yêu cầu trình hồ sơ để BQL xem xét điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 30/5/2015 nhưng nhà đầu tư vẫn không thực hiện.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư đã có nhiều văn bản gửi BQL báo cáo về nội dung đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), kiến nghị thành lập Ban Đền bù để tiến hành đền bù phần đất còn lại và hỗ trợ thu hồi phần đất những hộ dân tái chiếm, phân định rõ đất công,... Tuy nhiên theo BQL, nhà đầu tư không lập thủ tục để trình BQL xem xét điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho đến năm 2018.
Kết quả thanh tra cho thấy, từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 từ năm 2009 đến năm 2018, nhà đầu tư không xây dựng các hạng mục theo tiến độ được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Còn giai đoạn 2 của dự án đã chậm tiến độ 60 tháng tính từ năm 2013 đến năm 2018, không thuộc trường hợp giãn tiến độ đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014, là đủ điều kiện để chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.
Như vậy, trong quá trình triển khai thực hiện dự án 16 năm qua, nhà đầu tư chỉ mới triển khai giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động vào năm 2006 - 2007 với diện tích sử dụng đất 324.722,8m2; giai đoạn 2 triển khai bồi thường GPMB và xây dựng một số ít các hạng mục trên diện tích đất 741.043,3m2. Việc vi phạm tiến độ của nhà đầu tư kéo dài từ năm 2009 đến năm 2020, dù nhiều lần xử lý, giải quyết thủ tục điều chỉnh dự án nhưng đều không có kết quả.
Thanh tra cũng chỉ ra, đối với 4 Khu Thiên Đàng: Mùa Xuân, Mùa Hè, Mùa Thu, Mùa Đông thuộc giai đoạn 2, tính từ thời điểm phải hoàn thành dự án ngày 31/12/2012 đến tháng 1/2019 thì tiến độ sử dụng đất chậm 72 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, trong quá trình sử dụng đất, nhà đầu tư không phát sinh đơn yêu cầu xem xét gia hạn sử dụng đất kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng (tháng 12/2011).
Về nguyên nhân khách quan, kết luận thanh tra cho rằng, trong giai đoạn triển khai dự án, do ảnh hưởng từ cơn bão số 9/2009, hầu hết các hạng mục công trình đã đầu tư ở giai đoạn 1 bị hư hỏng nặng do bão, ngoài ra bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, cùng với tính mùa vụ của du lịch trên địa bàn tỉnh nên việc kinh doanh không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoàn thành dự án theo đúng tiến độ của Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất.
Còn về nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm, thanh tra cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ thực hiện dự án đến thời điểm hiện nay là do nhà đầu tư không có đủ năng lực để hoàn thành toàn bộ dự án dù đã kéo dài nhiều năm qua, đã nhiều lần cam kết tiến độ nhưng không thực hiện đúng; nhiều lần vi phạm quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng. Dù đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện để giãn tiến độ, tuy nhiên nhà đầu tư không phối hợp thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng trong quá trình thực hiện dự án đã được phát hiện qua thanh tra.
Qua kết quả thanh tra, sau khi xét tính chất, mức độ sai phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo: Yêu cầu Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Bình Sơn, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành và Kết luận thanh tra để xem xét, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý, giải quyết đối với tất cả các vấn đề phát sinh của dự án. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý.