Hiện nay bờ biển nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ngãi đang bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến đất đai, nhà cửa của người dân và cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân do sóng lớn liên tục đánh vào bờ gây xói mòn. Vậy giải pháp nào để bảo vệ bờ biển?
Ngày 13/1, ghi nhận thực tế của phóng viên tại bờ biển phía Đông Mũi Co Co (thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), triều cường cùng những đợt sóng lớn đánh mạnh khiến bờ biển khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng.
Đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, từ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đến bãi biển Hòn Cóc, thôn Tuyết Diêm 1 cũng trong tình cảnh tương tự.
Triều cường đã khiến hàng nghìn khối đất, cát bị cuốn trôi ra biển. Nhiều đoạn sạt lở vào sâu trong đất liền tới 7m, dài theo bờ biển khoảng 10m. Cạnh đó, đá trên toàn tuyến bị cuốn ra biển, cây xanh phòng hộ cũng bị sóng đánh ngã đổ trơ gốc. Nhiều điểm đất đá bị khoét sâu tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm.
Ông Mai Văn Xế (thôn Tuyết Diêm 1) cho biết, sạt lở xảy ra nhiều năm qua, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do triều cường quá mạnh, nhất là khi xảy ra mưa bão khiến bờ biển càng ăn sâu vào trong đất liền.
“Tôi sống gần bờ biển lâu nay, chứng kiến mỗi mùa mưa là bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Năm nay sạt lở nhiều hơn, đã có 2 - 3 hàng dương bị cuốn trôi ra biển. Nếu không có cách gì xử lý thì qua vài mùa mưa nữa, nhà dân ở gần khu vực này sẽ bị ảnh hưởng” - ông Xế chia sẻ.
Theo nhiều người dân thôn Tuyết Diêm 1, không chỉ mất đất, sạt lở đang đe dọa một số công trình như đường giao thông. Trước tình trạng này, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ san lấp, gia cố tạm thời điểm sạt lở này.
Trung tá Nguyễn Quang Vinh - Chính trị viên, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đoạn bờ biển phía trước đồn đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đơn vị đã huy động chiến sĩ gia cố tạm thời, cũng chỉ nhằm hạn chế chứ không thể ngăn chặn triệt để được. Về lâu dài, phải có kè chắn sóng kiên cố mới đảm bảo an toàn.
Theo ông Ung Đình Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, hơn 4 năm trở lại đây, triều cường, sóng biển đánh sạt lở gần 2.000m bờ biển từ Đồn Biên phòng Dung Quất đến núi Hòn Cóc. Những công trình như đường giao thông dẫn vào Đồn Biên phòng, hành lang an toàn đường ống, bể chứa sản phẩm thuộc Nhà máy lọc dầu đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Do đó, UBND huyện Bình Sơn đã kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng khẩn cấp kè chống sạt lở đoạn bờ biển dài khoảng 500m với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng nhằm chống sạt lở bờ biển, giữ an toàn cho các công trình quan trọng.
Còn tại bờ biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, sóng lớn cũng gây sạt lở nhiều đoạn dọc theo bờ biển, lấn sâu vào khoảng 1,5 - 2m. Ông Nguyễn Tấn Linh (xã Tịnh Khê) cho hay, tình trạng sạt lở ngày càng nhanh khiến người dân hết sức lo lắng. Mỗi năm, triều cường xâm lấn vào bờ 1 - 2m, cuốn trôi hoa màu, rừng dương được trồng cách bờ biển 30-40m cũng bị sóng đánh bật gốc.
Ông Võ Minh Chính - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, sạt lở tại đây kéo dài tới hơn 1km từ nhiều năm nay. Đoạn bờ biển từ xóm Khê Hội đến xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy cũng bị xói lở nặng nề. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, đất đai của người dân và hoạt động du lịch.
“Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã kiểm tra và báo cáo lãnh đạo thành phố. Với thực trạng sạt lở, các công trình hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng có nguy cơ biến mất. Để tạo cảnh quan cho khu du lịch Mỹ Khê và chống sạt lở, về lâu dài cần phải xây kè mới có thể ngăn chặn được biển xâm thực” - ông Chính kiến nghị.