Bão số 3 trên Biển Đông giật cấp 14 và đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, gây mưa to, sóng lớn và lốc xoáy.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông; sức gió gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) từ khoảng trưa ngày 25/8 gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,5-3,5m. Biển động mạnh.
Trên đất liền từ chiều ngày 25/8 đến sáng ngày 26/8, khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực Hải Phòng, Lạng Sơn khả năng có gió giật cấp 6-7.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, sáng ngày 25/8 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã gửi Công điện hoả tốc số 28/CĐ-QG tới Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn và các bộ, ngành liên quan về việc khẩn trương ứng phó với bão và gió mạnh.
Công điện nêu rõ, các tỉnh, thành phố phải thường xuyên theo dõi các bản tin về diễn biến của bão, gió mạnh, thông báo kịp thời đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống giảm thiểu thiệt hại.
Đối với các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng phải quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tiếp tục rà soát và thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Cùng với đó là triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển. An toàn cho người tham gia giao thông qua các cầu vượt biển, chủ động cấm biển tùy theo tình hình thực tế tại địa phương; đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông, các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa để giảm thiểu thiệt hại; đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa lũ.
Riêng đối với tỉnh Lạng Sơn cần theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời để chủ động phòng tránh hiện tượng gió giật mạnh; tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao.
Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.