Xã hội

Quảng Ninh: Hoàn thành sớm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Ngọc Anh 10/04/2024 14:41

Ngày 10/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 06; đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bước vào giai đoạn 2021-2025, sau quá trình liên tục triển khai thực hiện các chương trình MTQG, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, rõ nét. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vẫn còn khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách về thu nhập, trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội so với các vùng, miền khác còn chênh lệch khá lớn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, thoát nghèo chưa thực sự bền vững…

Từ thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 06). Đây là Nghị quyết chiến lược, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống; thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Đồng thời được triển khai thực hiện đồng bộ với các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

z5333633104645_ec614967e5ecd326c89c75231fecec00.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: 3 năm qua, tỉnh đã huy động nguồn lực trên 118.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết 06 và các chương trình MTQG. Trong đó, vốn tín dụng và xã hội hóa chiếm tới 84%, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống nhân dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Còn vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 16%, tập trung vào xây dựng các công trình, hạ tầng động lực mang tính chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, nâng cao hệ thống y tế, giáo dục,...

Từ sự thống nhất, đồng lòng, quyết tâm cao và cách làm chủ động, sáng tạo, đột phá, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 và các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”.

z5333579568483_4400503865f368461470a94fc813bd6c.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trò chuyện, động viên người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS.

Tính đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt 73,348 triệu đồng/người/năm; tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước.

Trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của Trung ương. 100% các hộ dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đều có nhà ở kiên cố; được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT đạt 67,17%; được dùng lưới điện quốc gia và phủ sóng điện thoại di động;...

Hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, hoàn thành sớm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và hiện đã chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương về tiêu chí thu nhập.

Tỉnh Quảng Ninh đã đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 13/13 địa phương cấp huyện của tỉnh đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 4/7 huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện Bình Liêu là huyện dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

z5334179290669_613f5e07d9fe3505cf773c2fc94a299b.jpg
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 06 gắn với các chương trình MTQG của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr đề nghị: Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể kết quả, tiến độ thực hiện và xác định giải pháp cụ thể để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 06 gắn với với hoàn tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình MTQT. Trong đó đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu về nâng thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn và thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, với yêu cầu cao về quy trình, chất lượng, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP. Song song với đó, quan tâm củng cố, nâng chất các tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới và tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo theo tiêu chí riêng của tỉnh để đảm bảo tính bền vững...

z5334242279581_4ff059edbee0f449f8cf0bf3b8e65496.jpg
27 tập thể được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 06.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 27 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 06.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Hoàn thành sớm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025