28.920 tỷ đồng là tổng thu ngân sách của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm. Trong thời gian này, tỉnh cũng chi ngân sách địa phương là 10.200 tỷ đồng. Đây là những con số mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước ngưỡng mộ.
Thu NSNN theo hướng bền vững
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ giữa năm), HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 10/7, ông Cao Tường Huy, Quyền chủ tịch UBND tỉnh tự hào khẳng định: Quảng Ninh đã giữ vững sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, giữ vững ý chí và hành động, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kỷ luật, kỷ cương, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, nhịp độ phát triển.
Kết quả đạt được là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,66 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng, đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 28.836 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương giao, bằng 53% dự toán tỉnh giao, bằng 110% kịch bản, bằng 104% cùng kỳ. Trong đó thu XNK đạt 7.822 tỷ đồng, bằng 68% dự án Trung ương giao, bằng 55% dự toán tỉnh giao, bằng 142% kịch bản, bằng 106% cùng kỳ; thu nội địa đạt 21.013 tỷ đồng, bằng 50% dự toán tỉnh giao bằng 104% so cùng kỳ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tập trung triển khai, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; thu hút đầu tư vốn trong nước ước đạt 44.017 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy…
Trong bối cảnh có điều chỉnh thay đổi tỷ lệ (%) điều tiết 5 sắc thuế giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện thu có trách nhiệm tăng thu phần thuế, phí ở mức cao nhất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đối với địa phương có nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp đô thị là TX Quảng Yên và TX Đông Triều thì được ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu để các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo đó, để đảm bảo năm 2023 thu ngân sách đạt 54.000 tỷ đồng, ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai một loạt các giải pháp, như: Thành lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu NSNN năm 2023; ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo tăng cường điều hành ngân sách nhà nước tỉnh và tổ chức họp Ban chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất những giải pháp để tổ chức, triển khai thực hiện; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp trọng điểm (than, điện, xi măng, xăng, dầu, vận tải...).
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức họp đánh giá tiến độ thực hiện, đôn đốc các địa phương về đẩy nhanh tiến độ xây dựng giá đất và tổ chức đấu giá đất, chấn chỉnh hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh của Trung ương giao là 7.500 tỷ đồng.
Chắt chiu để chi hiệu quả
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng chi ngân sách địa phương là 31.961 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 13.200 tỷ đồng; chi thường xuyên là 16.470 tỷ đồng.
Để đáp ứng được nhiệm vụ phát triển, công tác chi điều hành ngân sách địa phương được tỉnh triển khai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” ngay từ khâu xác định nhiệm vụ chi. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội thảo, hội nghị, đi nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, yêu cầu Sở Tài chính và các địa phương thực hiện giao dự toán chi tiết cho từng đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm để triển khai, thực hiện giải ngân, phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân được 80%, đến 31/12/2023 giải ngân 100% dự toán được giao. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các thành viên Tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn, thường xuyên đi kiểm tra thực tế tiến độ giải ngân, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của đơn vị, địa phương được giao phụ trách, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
Theo ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh, trong điều kiện giảm thu gần 1.500 tỷ đồng khi thực hiện các chính sách miễn, giảm, thuế phí của Trung ương, nhưng nhờ chủ động trong điều hành các nhiệm vụ thu, chi NSNN, trong 6 tháng đầu năm cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn lực để duy trì tăng trưởng theo đúng các kế hoạch đề ra và đảm bảo các chính sách an sinh trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trình Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh nội dung báo cáo điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023. Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn điều chỉnh là điều hòa, ưu tiên cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp; vốn GPMB; các dự án quan trọng, trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ các địa phương có tác động lớn tới phát triển KT-XH để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.