Quảng Ninh đang siết chặt việc kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và kiên quyết không để hình thành các “điểm nóng” về ATTP.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 52.584 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý 10.271 cơ sở, ngành Công thương quản lý 14.189 cơ sở, ngành NN&PTNT quản lý 28.124 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.
Xác định việc đảm bảo ATTP là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, trong 5 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra, giám sát 6.126 lượt cơ sở. Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP đối với 322 cơ sở, tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt 2.706.050.000 đồng. Cùng với đó, tiến hành tịch thu, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm ước tính trị giá 4.806.452.000 đồng.
Hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa thực phẩm nhập lậu...
Điển hình mới đây nhất, ngày 15/5, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Đức Phúc (tại phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả), phát hiện và tạm giữ trên 2,1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP, tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn, giáo dục nâng cao hiểu biết, kỹ năng trong lĩnh vực ATTP.
Trong đó, tỉnh công khai và tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân về tổ chức, cá nhân nghi ngờ vi phạm ATTP trên địa bàn tỉnh thông qua các đường dây nóng của 3 ngành Công thương, Y tế, NN&PTNT. Bên cạnh đó, tỉnh còn công khai các cá nhân, cơ sở vi phạm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sức răn đe, đồng thời cảnh báo cho người dân và du khách.
Mặc dù công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt được những kết quả nhất định, song, không thể phủ nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, với địa bàn tỉnh rộng, địa hình phức tạp, có đường biên giới trên bộ và biển với nước ngoài, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhưng vẫn khó có thể ngăn chặn, kiểm soát triệt để thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh nhưng phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động theo thời vụ, thời điểm. Sản xuất vẫn còn mang nặng phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm tới quy trình sản xuất an toàn, nhiều cơ sở hạn chế trong việc thực hiện các điều kiện bảo đảm ATTP.
Khi việc mua bán thực phẩm diễn ra trên thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Nhiều sản phẩm thực phẩm tự làm (không có công bố chất lượng) được quảng cáo, bán trên môi trường mạng cũng là một khó khăn trong việc kiểm soát, kiểm tra ATTP.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đối với các sản phẩm tự công bố, tổ chức cá nhân gửi về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố. Do đó có hiện tượng các cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố một cách ồ ạt, nhiều sản phẩm chưa được kiểm soát đã đưa ra thị trường, ý thức của cơ sở trong việc chịu trách nhiệm về các sản phẩm tự công bố chưa cao, sản xuất sản phẩm theo mùa vụ hoặc theo đơn đặt hàng. Khi thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm không lấy được mẫu do các sản phẩm này không còn sản xuất, kinh doanh hoặc người tiêu dùng đã tiêu thụ hết.
Việc từ chối tiếp nhận Hồ sơ tự công bố và hoạt động kiểm tra, giám sát sản phẩm gặp khó khăn do chưa có quy định rõ ràng đối với trường hợp: Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi gửi hồ sơ tự công bố sản phẩm qua bưu điện nhưng không ghi cụ thể địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc có số điện thoại nhưng không liên lạc được...
"Ngoài ra, do chưa có một cơ quan quản lý thống nhất cho nên hiện nay, việc quản lý một sản phẩm từ nông trường, chuồng trại cho đến bàn ăn chưa đảm bảo xuyên suốt mà do 3 ngành cùng quản lý (theo từng công đoạn) dẫn đến chồng chéo hoặc đôi khi tạo khoảng trống trong quản lý, đôi khi khó nhận biết, phân loại sản phẩm hỗn hợp để quy về ngành nào quản lý để gắn trách nhiệm. Vì vậy cần có một phần mềm quản lý thực phẩm đồng bộ, liên thông từ trung ương tới địa phương là hết sức cấp thiết", lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để siết chặt việc kiểm soát, đảm bảo ATTP, kiên quyết không để hình thành các “điểm nóng” về ATTP.