Nhằm khắc phục những bất cập ở cầu Bãi Cháy, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai thi công phân luồng phương tiện qua cầu Bãi Cháy. Dự kiến sẽ sớm hoàn thành trong năm 2021.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Đại Đoàn Kết đã có bài viết phản ánh về những bất cập ở cầu Bãi Cháy, cây cầu huyết mạch của TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) với hàng vạn lượt phương tiện lưu thông qua mỗi ngày.
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ninh, trung bình mỗi ngày hiện nay có khoảng 30.000 lượt xe ô tô các loại và 20.000 lượt xe máy lưu thông qua cầu Bãi Cháy mặc dù nhiều hoạt động giao thông đang bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cầu Bãi Cháy ngày càng trở nên quá tải và đặc biệt gây mất an toàn giao thông do các phương tiện hỗn hợp “chen chúc” chung làn đường hẹp. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người giữa phương tiện xe máy và xe ô tô đã xảy ra trên Cầu.
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Đỗ Thái Bảo, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Cầu Bãi Cháy được thiết kế 3 làn xe mỗi bên, gồm 2 làn xe hỗn hợp và 1 làn xe thô sơ phía ngoài cùng, bên cạnh đó còn có 1 phần đường dẫn có hệ thống rãnh dọc hở có tổng chiều dài hơn 3km, khiến lòng đường xe thô sơ bị thu hẹp, có nguy cơ trượt rãnh khi tách làn xe máy đi vào làn xe thô sơ. Hàng ngày, lưu lượng phương tiện lưu thông trên cầu lớn, việc bố trí làn xe hỗn hợp khiến xảy ra tình trạng xe máy và xe ô tô đi chung, giành làn của nhau, đầu cầu Bãi Cháy phía Hòn Gai có độ dốc, phương tiện di chuyển với tốc độ cao, vượt ẩu, lái xe không quen đường vi phạm các nguyên tắc đảm bảo an toàn giao thông... dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn."
Bên cạnh đó, Cầu có hệ thống tôn sóng được thiết kế những cột và cạnh sắc nhọn được quay vào trong, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi xảy ra va chạm; một số vị trí tiếp giáp với nút giao nhỏ hẹp, khuất tầm nhìn dễ gây xung đột giao thông...Đầu cầu phía bên Bãi Cháy, đoạn đường dẫn lên cầu có Hệ thống Tôn hộ lan dạng sóng phân chia làn xe hỗn hợp và làn xe thô sơ, nhiều lái xe không quen đường dễ đâm vào dải hộ lan. Đại úy Đỗ Thái Bảo cho biết thêm.
Nhận thấy nguy cơ tai nạn giao thông do việc phương tiện xe máy và xe ô tô đi cùng làn đường qua cầu nên từ cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý thí điểm việc tách làn phương tiện giao thông qua cầu Bãi Cháy. Việc thí điểm tách làn xe ô tô và xe máy được giao Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, xuất hiện một số tồn tại, khiến việc tổ chức tách làn đến nay mới bắt đầu được triển khai thực hiện.
Hiện tại, đơn vị nhà thầu là Công ty CP Quản lý cầu đường bộ 1 đang đẩy nhanh quá trình thực hiện, huy động máy móc, thiết bị để làm việc. Theo đó, để bắt đầu triển khai dự án, bước đầu tiến hành san, gạt để mở rộng diện tích làn đường dành cho xe thô sơ, cắt gọn các điểm cua giúp cho các phương tiện lưu thông và tránh nhau thuận tiện, không để xảy ra va chạm. Bên cạnh đó, hệ thống mặt cống thoát nước đều được làm phẳng, trải nhựa bên trên tạo thành mặt đường nhẵn, không có gờ giúp cho xe mô tô và thô sơ vận hành thuận tiện.
Theo ông Trần Văn Tuấn, cán bộ Ban Quản lý vốn sự nghiệp (Sở Giao thông - Vận tải), để thực hiện dự án tách làn phương tiện trên cầu Bãi Cháy, hiện nay Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành triển khai việc thi công mở rộng làn đường thô sơ. Theo đó, mỗi bên sẽ mở rộng thêm trên 50cm và lắp đặt thêm hệ thống cảnh báo, các tấm hộ lan... qua đó giúp cho người điều khiển phương tiện lưu thông an toàn.
Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và các phương tiện tham gia giao thông vẫn hoạt động bình thường. Đơn vị nhà thầu đã bố trí công nhân điều tiết giao thông tại đoạn đang thi công, đồng thời đặt các biển cảnh báo để người tham gia giao thông chú ý quan sát khi lưu thông.
Hiện, các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai nhanh chóng việc thực hiện tách làn phương tiện xe máy ra khỏi làn dành cho ô tô trên cầu Bãi Cháy nhằm khắc phục bất cập và dự kiến sẽ sớm hoàn thành trong năm 2021.