Người dân tự ý xây đập chặn dòng chảy và dựng nhà tạm để kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực Cửa Phủ - Đèo Voi (thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Suối Voi (suối Tây Sơn) bắt nguồn từ đỉnh núi thiêng “Bảo Đài Sơn” phía Tây dãy núi Yên Tử - cánh cung Đông Triều. Con suối cách không xa bãi Đá Chồng, nằm trên quần thể di tích núi Bảo Đài, thuộc quần thể di tích Ngọa Vân. Men theo triền phía Đông Bắc của Đèo Voi, suối chảy ra khu hồ thủy lợi tại xóm Phú Sơn, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều.
Theo những cứ liệu lịch sử, địa danh Đèo Voi, Cửa Phủ gắn liền với khu di tích am, chùa Ngọa Vân, khu tâm linh đặc biệt gắn với cuộc đời tu hành của của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo tìm hiểu, Phủ Đèo Voi và một phần suối Voi (suối Tây Sơn) nằm cạnh diện tích đất rừng sản xuất tại Tiểu khu 10B, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, do ông Đỗ Văn Tuệ (SN 1988, thường trú tại khu 2, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) quản lý, sử dụng.
Nhận thấy khu vực có cảnh quan tươi đẹp, nguồn nước thuận lợi, khí hậu mát vào mùa hè, thích hợp để phát triển du lịch nên gia đình ông Đỗ Văn Tuệ đã tự ý xây dựng nhiều công trình trên đất rừng để đón khách.
Ngày 12/7/2024, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã đi thực tế tại khu vực này. Theo ghi nhận, một khu sinh thái trái phép đang manh nha hình thành. Bắt đầu trong khu vực rừng thuộc quản lý của ông Đỗ Văn Tuệ, đường bê tông rộng hơn 2 m, dài vài trăm mét đi từ cửa rừng quanh khu Phủ Đèo Voi, đi ngược lên thượng nguồn suối Voi. Diện tích đất bị san gạt làm bãi đỗ xe, đường đi… rộng cả vài ngàn m2. Trên khe suối, hai đập ngăn nước được xây dựng để làm hồ bơi phục vụ du khách. Nhiều sạp cốt thép sàn gỗ, lợp tre lá dựng dọc bờ suối, 2 nhà sàn mái tranh cũng được xây dựng bên bờ suối. Nhiều nhà khung, nhà bạt di động được chuẩn bị sẵn khi lượng khách tăng cao. Tại thời điểm phóng viên có mặt, rất nhiều khách đến điểm du lịch trên tắm tránh nóng, ăn uống, nghỉ ngơi.
Anh N.V.L, người dân xóm Phú Sơn, thôn Tây Sơn cho biết: “Khu Cửa Phủ - Đèo Voi này được ông Tuệ cải tạo, xây dựng vài năm trước, tuy nhiên chỉ mở cửa đón nhiều khách từ năm 2024. Vào những ngày nắng nóng, dịp hè, cuối tuần có rất đông du khách bên thị xã Kinh Môn và một số vùng lân cận đến chơi. Trong ấy họ không thu phí, chỉ cho thuê chỗ ngồi, thuê áo phao và bán đồ ăn thôi”.
Được biết, ngày 2/1/2024, UBND xã Bình Khê đã lập biên bản về các công trình vi phạm của ông Tuệ trên đất rừng bao gồm: Hai bờ kè bê tông cốt thép, hai sạp lắp ghép khung sắt, mặt sàn gỗ, khoảng 350 m đường bê tông, 350 m2 đất đã bị san gạt, xếp bờ đá. Tại hiện trường có các phương tiện, xe máy múc, một máy lu, một xe ben.
Tiếp đó, ngày 10/6/2024, UBND xã Bình Khê có văn bản số 15-BB-VPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đất đai đối với ông Đỗ Văn Tuệ, tại vị trí lô 14, khoảnh 2, tiểu khu 10, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê về hành vi xây dựng hai đập chứa nước trên suối.
Trong hai biên bản đều yêu cầu ông Tuệ ngừng việc xây dựng, tự tháo dỡ công trình sai phạm, trả lại tình trạng đất như ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại và có dấu hiệu còn được xây dựng thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm văn Phong, Chủ tịch UBND xã Bình Khê cho biết: “Điểm du lịch trên đã được xây dựng từ trước khi tôi về xã công tác. Do buông lỏng quản lý nên đã để ông Đỗ Văn Tuệ ngăn suối xây kè, xây đập, làm đường, biến thành điểm du lịch tự phát. Xã đã kiểm tra, lập biên bản, vận động gia đình tự tháo dỡ và không phát sinh thêm các công trình trái phép khác”.
Theo ghi nhận, sau khi phóng viên làm việc với lãnh đạo xã Bình Khê, điểm du lịch tự phát trên đã đóng cửa, thông báo tạm dừng đón khách.