Là xã ven biển, đã có thời điểm Tiến Tới là niềm tự hào của huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) với đội tàu khai thác thủy sản hùng mạnh. Nhưng giờ đây, nhiều người dân nơi đây lâm cảnh nợ nần, người còn bám trụ với những con tàu tiền tỷ cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Chủ tàu thành con nợ
Kể từ tháng 1/2020, xã Tiến Tới sáp nhập với xã Đường Hoa, huyện Hải Hà, lấy tên chung là xã Đường Hoa. Nhưng đối với nghề đi biển, người dân Tiến Tới vẫn nổi tiếng bởi những ngư dân lão luyện, giỏi nghề đánh bắt bậc nhất huyện Hải Hà.
Vào những năm 2015 đến 2018, xã Tiến Tới “phất” lên nhờ nghề đi biển. Những chuyến đi đầy ắp khoang tàu là hải sản tươi sống. Ngư dân trở về “lận lưng” vài chục đến hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến đi. Tiếng cười rộn xóm. Nhiều căn nhà cao tầng mọc lên. Nhà nhà đóng tàu, người người đi biển…
Tiến Tới hôm nay đìu hiu hơn bao giờ hết. Nhìn những con tàu xếp hàng dài trên bến Cái Tó mới thấy những điều ngư dân nói là sự thật.
“Từ năm 2019 trở lại đây, Tiến Tới đã chứng kiến nhiều chủ tàu vỡ nợ, bỏ quê hương không biết lưu lạc nơi đâu. Nhiều người bám trụ với những con tàu khai thác vùng khơi cũng đứng trước nguy cơ phá sản” - anh Lê Quý Trọng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Hải Hà, buông tiếng thở dài trên khu neo đậu thôn Cái Tó.
Tiếp dòng câu chuyện, anh Trọng kể về những chủ tàu nổi tiếng một thời trên đất Tiến Tới nhưng chỉ sau một vài năm đã trở thành con nợ.
Đó là anh Hoàng Văn Q. (41 tuổi, thôn Cái Tó). Năm 2017 anh Q. dồn hết tiền trong nhà và vay mượn để đóng con tàu hơn 6 tỷ đồng. Cũng từ năm 2017 đến năm 2019, nhiều điều luật về biển liên tục thay đổi, cùng với việc sản lượng đánh bắt ngày càng thấp, anh Q. rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Từng căn nhà phải ngậm ngùi bàn giao cho chủ nợ, đến lượt con tàu sắt dài 16m hoành tráng một thời cũng phải giao cho ngân hàng bán thanh lý. Đến năm 2022, anh Q. không gượng được nữa, 2 vợ chồng đành bán xứ đi nơi khác, chỉ còn bố mẹ cùng các con ở lại, nhưng phải đi ở nhờ nhà họ hàng...
Còn nhiều những câu chuyện buồn ở Tiến Tới, như anh Hoàng Văn Th., Hoàng Văn C.... đều rơi vào hoàn cảnh bi đát, chỉ khác nhau về số tiền thua lỗ do đóng tàu to hay nhỏ mà thôi.
Nỗi niềm ngư dân
Đang mùa khai thác, nhưng hầu hết các tàu đánh bắt to, nhỏ của xã Đường Hoa về neo đậu hết trong khu neo đậu thôn Cái Tó. Trên các tàu nhỏ không một bóng người, chỉ có một vài người trên những con tàu lớn.
Ông Hoàng Sinh (62 tuổi, thôn Cái Tó) đang thu dọn trên tàu, giọng buồn rượi khi phóng viên hỏi chuyện: Tính đến ngày 18/9, tàu của tôi đậu ở đây đã hơn 1 tháng rồi. Giờ đi làm là thua lỗ, vì tính chi phí mỗi chuyến ra khơi (khoảng 25 ngày) hết tầm 150 triệu đồng, nhưng vùng quy định đánh bắt quá hạn hẹp, sản lượng lại quá thấp.
Là ngư dân lão luyện ở Tiến Tới, có tàu riêng từ năm 1984, chưa bao giờ ông Sinh thấy làm nghề đánh bắt thủy sản khó khăn như thời điểm hiện tại.
Theo ông Sinh, con cá con mực đi theo mùa. Mùa sinh trưởng thì các loài này di chuyển vào vùng lộng, hoặc ven bờ. Đối với nghề lưới chụp ngoài khơi vùng biển Cô Tô, Trần, Bạch Long Vỹ như tàu ông Sinh, từ tháng tám đến tháng chạp là thời điểm khó khăn nhất do sản lượng thấp.
Ông Lê Hồng Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Hoa cho biết: Toàn xã có 230 tàu đánh bắt thủy sản. Nghề khai thác thủy sản của bà con vài năm trở lại đây gặp khó khăn do nhiều yếu tố. Đó là nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, chi phí nhân công, dầu máy, đá ướp…đều tăng cao. Trong khi lượng tàu lớn phát triển ngày càng nhiều thì diện tích khai thác vùng khơi lại quá hạn hẹp.