Tinh hoa Việt

Quanh Hồ Gươm, bàn chuyện nghệ thuật

DƯƠNG XUÂN 06/04/2024 07:16

Nghệ thuật trình diễn trong không gian công cộng dù hấp dẫn cũng cần sự thay đổi. Tiếc là điều này khó lòng được nhận thấy ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội).

Ảnh: Đúc Quang.
Ảnh: Đúc Quang.

Cả nghệ thuật tạo hình cũng còn là khoảng thưa vắng cho việc sáng tạo và trưng bày. Không gian văn hóa Hồ Gươm rất cần được làm cho đẹp hơn, mới hơn bằng nghệ thuật có chất lượng.

Mấy năm qua, phố đi bộ Hồ Gươm đã góp một nét mới vào đời sống trung tâm Thủ đô nhìn từ nhiều khía cạnh: văn hóa, du lịch, giải trí, thư giãn.

Phố đi bộ làm cho không khí tấp nập, sôi nổi cả tuần chùng lại, thong thả, nhẹ nhàng hơn với việc dành không gian cho người dân đi bộ, vui chơi, giải khát, ăn uống nhẹ, thưởng thức nghệ thuật. Ở một mặt khác, lại chuyển hóa sự sôi động của giao thông sang sự sôi nổi, hứng khởi của hoạt động văn hóa, nghệ thuật và niềm vui của công chúng, du khách.

Đã có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường kỳ vào các dịp cuối tuần ở một số địa điểm bên hồ. Thỉnh thoảng có những chương trình biểu diễn trên sân khấu lớn với âm thanh, ánh sáng hiện đại và những ca khúc cuồng nhiệt.

Tuy nhiên, những hiệu quả ban đầu của không khí văn hóa, nghệ thuật đang có dấu hiệu dần suy giảm, nhường chỗ cho việc đi bộ, đi dạo, tập thể dục, ăn uống, giải khát thông thường và thưởng thức những màn trình diễn quá quen thuộc.

Khu vực thẳng gốc cây đa Báo Nhân Dân ra Hồ Gươm, từ lâu vẫn tồn tại một nhóm nhạc chơi đi chơi lại những bản nhạc quen thuộc với chất lượng nghệ thuật rất đáng ngạc nhiên! Đó là sự chênh, phô và nhiều khi chưa khớp hoặc có vẻ như chưa hiểu ý nhau nên có người định chơi phần giai điệu kết bài thì người khác lại “phi vào” điệp khúc. Lại thêm những tiếng hú hét kèm theo. Những màn biểu diễn hạn chế về chất lượng và quen đến mức nhàm vào dịp cuối tuần suốt cả mấy năm khiến không ít người ngao ngán, thậm chí bực mình và rồi giật mình không hiểu lý do vì sao cơ quan quản lý văn hóa địa phương lại để kéo dài như thế!

Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) cần tiếp tục đổi mới để hấp dẫn người dân, du khách. Ảnh: Đức Quang.
Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) cần tiếp tục đổi mới để hấp dẫn người dân, du khách. Ảnh: Đức Quang.

Bên cạnh những tiết mục nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao ở không gian văn hóa công cộng, thì cũng có thể có hình thức biểu diễn ngẫu hứng hoặc ngắn hạn của các nghệ sĩ nghiệp dư hoặc quần chúng yêu văn nghệ.

Nhưng không nên lấy đó làm chủ đạo trong những món ăn tinh thần phục vụ công chúng, dẫu là miễn phí, với đối tượng công chúng vãng lai, đi qua đi lại. Bởi ngoài câu chuyện cái giá của nghệ thuật cao hay thấp, đắt hay rẻ, thì việc biểu diễn, phổ biến nghệ thuật cần có sự bảo đảm về chất lượng và cần tôn trọng khán thính giả.

Cũng liên quan đến điều này, thì ở khu vực mặt tiền Trung tâm văn hóa Hồ Gươm, có một nhóm nhạc trình diễn thường xuyên với chất lượng âm nhạc tốt hơn. Các nghệ sĩ này thể hiện một cách thong thả, đều đặn các bản nhạc mà không có những tiếng hú hét và việc dẫn chương trình với những lời lẽ dễ dãi. Tuy nhiên, ngay cả không “mất điểm” thì sự tồn tại quá lâu đó cũng là đáng suy nghĩ.

Có thể có những quan điểm cho rằng, khán giả, du khách thường đông đúc, nhiều thành phần. Những chương trình, tiết mục như thế có thể quen, cũ với người này, nhưng mới với người khác, với những người mới đến. Nhưng đừng quên rằng, khu vực Hồ Gươm từ khi chưa có phố đi bộ vẫn là điểm đến, là nơi trở lại của nhiều người dân Thủ đô và không ít người dân các địa bàn, địa phương khác yêu mến không gian văn hóa, lịch sử, danh thắng nơi này. Khi có phố đi bộ, những vỉa hè, đường phố quanh hồ lại tiếp tục là nơi dạo chơi, thư giãn thân thuộc của nhiều người.

Những tiết mục nghệ thuật ở đây, khi được tổ chức, duy trì, rất cần sự nâng cao, thay đổi, làm mới để phục vụ người dân, du khách, góp phần bồi đắp, nâng cao thẩm mĩ cho khán giả chứ không nên là sự lặp đi lặp lại đến nhàm chán. Đi một vòng quanh Hồ Gươm, thật băn khoăn về những hình thức biểu diễn đã quá lâu vẫn là như vậy. Đây đó vài người chơi đàn, hát ngẫu hứng. Một số điểm tập trung đông người nhưng chủ yếu là mua đồ ăn, đồ lưu niệm, uống café, thổi bong bóng, chụp ảnh…

Gần đây có tín hiệu mới với chương trình biểu diễn thực cảnh trên mặt nước Hồ Gươm, tái hiện tích vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa thiêng, có những màn ánh sáng nhiều màu và tạo khói huyền ảo. Đây là điều đáng khích lệ. Nhưng xem chừng quanh hồ vẫn chưa có gì mới, khác và gây cuốn hút.

Từng có một số thời điểm có hoạt động quảng diễn quanh hồ với hình thức vừa di chuyển vừa hát, múa nghệ thuật truyền thống, tạp kỹ của các nghệ sĩ. Nhưng tính đến nay cũng thật hiếm hoi. Có lẽ sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cũng gây những hạn chế cho việc mở rộng các chương trình nghệ thuật mới. Tuy nhiên thực tế là phố đi bộ Hồ Gươm và khu vực phố cổ Hà Nội đang tiếp tục “hồi sinh” với sự quy tụ khá đông đúc của người dân, du khách. Nên tận dụng cơ hội này với nhiều nhu cầu công chúng trong việc vui chơi, giải trí, tham quan khu vực trung tâm để tăng thêm và làm mới, làm hay hơn cho những sắc màu văn hóa, nghệ thuật.

Không chỉ với nghệ thuật biểu diễn, từ góc nhìn mỹ thuật, nhiếp ảnh, sự thiếu vắng tác phẩm thuộc lĩnh vực này quanh không gian xanh của Hồ Gươm còn là một câu hỏi. Tại đình Nam Hương có cửa trông ra mặt phố Hàng Trống, đáng chú ý trong thời gian qua có tổ chức trưng bày các tác phẩm tranh, điêu khắc, mỹ nghệ… lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và các hình tượng hổ, rồng… Nhưng ví dụ như thế còn quá ít. Bên Hồ Gươm vào một số dịp, đã có dựng tác phẩm tạo hình hiện đại kết hợp với ánh sáng, hoặc dịp năm mới có dựng mô hình con giáp.

Tuy nhiên, khi tháo dỡ đi thì thiếu sự thay thế, thiếu việc tổ chức trưng bày thường xuyên các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng thưởng thức.

Không gian xanh quanh Hồ Gươm và ở một số hè phố rộng lân cận, đặc biệt là khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ, phù hợp để trưng bày tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, ảnh khổ lớn… theo chủ đề đa dạng cho công chúng thưởng thức. Không gian xanh của nhiều loại cây với những cây cổ thụ, cây lâu năm, cùng các di tích nổi tiếng như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tháp Hòa Phong, đình Nam Hương, tượng đài Lê Thái Tổ… hay các công trình kiến trúc lâu năm như bưu điện Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, nhà thủy tạ dãy nhà từ báo Hà Nội mới đến trụ sở công an quận Hoàn Kiếm là những yếu tố tạo nên không khí hoài niệm, lắng đọng. Nhưng cùng với cái cũ, cái thân thuộc, thâm trầm màu thời gian đó, rất nên có những cái mới, sự đa sắc màu, dáng vẻ, phong cách được tạo nên từ nghệ thuật của ngày hôm nay.

Từ góc nhìn gợi mở, không gian Hồ Gươm là những gợi ý rất hay không chỉ cho việc trưng bày và thay đổi các tác phẩm mà còn cho các hoạt động sáng tác, giới thiệu tác phẩm tranh, ảnh, tượng… lấy chính cảnh quan, di tích, lịch sử nơi này làm đối tượng khai thác, phản ánh.

Đứng ra tổ chức, kiến tạo các hoạt động nghệ thuật tạo hình như gợi ý trên, cũng như các chương trình, tiết mục nghệ thuật trình diễn mới mẻ, đặc sắc, rất nên có vai trò của các cơ quan, tổ chức đầu mối như UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội… Về tiềm năng sáng tạo, có rất nhiều cá nhân, nhóm nghệ sĩ yêu mến Hồ Gươm, có ý tưởng và mong muốn đóng góp việc sáng tác, trưng bày tác phẩm hay biểu diễn nghệ thuật ở khu vực này.

Có thể mời gọi, thúc đẩy theo hình thức đặt hàng, mượn tác phẩm hay xã hội hóa, phối hợp nhà nước, hội nghề và nghệ sĩ. Cũng như luân phiên mời và thay đổi các nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp, các chương trình, tiết mục có chất lượng ở những địa điểm khác nhau quanh Hồ Gươm. Như vậy sẽ tạo ra sự đa dạng, mới mẻ cho nghệ thuật trong không gian lịch sử - văn hóa - kiến trúc - thiên nhiên - du lịch rất đặc biệt này.

Thật là một “không gian vàng” cho nghệ thuật được hiện diện, thăng hoa! Nhưng cũng đáng tiếc khi đã qua mấy năm tổ chức phố đi bộ, khu vực Hồ Gươm lại chậm đổi mới, đổi khác về sắc màu văn hóa, nghệ thuật; thưa vắng những tác phẩm đặc sắc làm đẹp cho tâm hồn, tình cảm công chúng, du khách đến với không gian huyền thoại của Thủ đô văn hiến.

Không gian Hồ Gươm là những gợi ý rất hay không chỉ cho việc trưng bày và thay đổi các tác phẩm mà còn cho các hoạt động sáng tác, giới thiệu tác phẩm tranh, ảnh, tượng… lấy chính cảnh quan, di tích, lịch sử nơi này làm đối tượng khai thác, phản ánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quanh Hồ Gươm, bàn chuyện nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO