Đánh giá một cách khái quát về kỳ họp thứ 9, QH khóa 13 ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc cho rằng: Chất lượng của các phiên thảo luận đóng góp ý kiến của ĐBQH ngày một nâng cao. Tuy nhiên, chừng nào còn giữ cơ chế, kết cấu không chuyên nghiệp như hiện nay thì chất lượng làm luật không thể cao được.
Ông Dương Trung Quốc
PV: Vì lẽ gì ông lại đánh giá rằng chất lượng của kỳ họp này đã được nâng lên?
Ông Dương Trung Quốc: Cá nhân tôi người trong cuộc, quan sát những hoạt động của QH, phải nói rằng, chất lượng của các phát biểu đóng góp cho luật của các ĐBQH ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn, thời điểm tôi bắt đầu tham gia QH (cách đây 13 năm), thời đó rất ít ĐBQH phát biểu. Để được phát biểu dễ thôi. Nhưng giờ để được phát biểu cũng không đơn giản, xếp hàng rất lâu mà chưa chắc đã đến lượt. Đặc biệt, kỳ họp này đã thảo luận rất nhiều luật lớn như, luật dân sự, hình sự, điều đáng mừng là trong tất cả các luật đã thể hiện rõ bản chất vị thế của người dân trong hệ thống pháp luật.
Ý ông nói là chất lượng của các phát biểu đã được nâng lên nhưng vẫn còn những ý kiến góp ý cho các dự thảo luật chưa sâu?
Đúng vậy, vẫn còn tình trạng góp ý của ĐB chưa thật sâu, nhất là đối với các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, thảo luận về Bộ Luật hình sự, mỗi người chỉ đọc 1 khoản để đóng góp cho điều luật thôi mà không đọc đoạn dưới. Thế cho nên mới có nhiều ý kiến trái chiều về quy định “miễn tội tử hình cho người trên 70 tuổi” mà không đọc kỹ quy định ở phía dưới rằng đối với trường hợp nghiêm trọng vẫn phải xử lý.
Để xảy ra tình trạng như vậy, theo cá nhân tôi, ĐBQH phần lớn góp ý hoàn toàn theo kinh nghiệm. Đặc biệt đối với ĐBQH không chuyên trách như tôi, điều kiện tiếp cận thông tin rất khó. Trong khi đó, các nước khác, ĐBQH có bộ máy tư vấn giúp ĐBQH, quan trọng nhất của ĐB là lựa chọn phương án nào, vì lợi ích, trách nhiệm nào đó để lựa chọn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù chúng ta muốn nói đặc thù của nước ta thế nào thì cuối cùng QH cũng phải là bộ máy chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rằng luật càng ngày càng mang tính chuyên nghiệp, không có cách khác.
QH kỳ họp này là thời điểm cụ thể hóa những điểm mới trong Hiến pháp. Ông đánh giá thế nào về việc này, qua quá trình xây dựng các dự án luật?
Đây là điểm thấy rất rõ trong kỳ họp này. Có thể nói, sau khi có Hiến pháp 2013 gần như tất cả điều luật coi đó là chuẩn mực để cụ thể hóa, biến nó vào đời sống. Từ câu chuyện biểu tình, trưng cầu ý dân ai cũng thấy nó nhạy cảm cũng không thể khác được phải cụ thể hóa vào trong các Luật. Tác động của Hiến pháp đến xây dựng luật buộc chúng ta phải suy nghĩ đến các vấn đề nhiều khi chúng ta cứ gác lại thành thói quen.
Là một trong những ĐB có những chất vấn sắc nét trong các kỳ họp, đánh giá của ông về việc thực hiện lời hứa bộ trưởng qua các kỳ chất vấn?
Tôi cho rằng, chất vấn nên đặt vấn đề của đời sống ra để thực hiện là chính chứ không đặt lên vai các bộ trưởng, vì những vấn đề của đời sống không thể một bộ trưởng có thể giải quyết được. Tôi cho rằng, nên cải tiến hình thức chất vấn các bộ trưởng, chỉ chất vấn khi có vấn đề nổi cộm của đời sống. Mỗi kỳ họp ta nêu một số vấn đề để cấp Thủ tướng, Phó Thủ tướng đứng ra trả lời cùng dàn bộ trưởng liên quan để giải quyết một việc cụ thể, chất lượng giải quyết việc sẽ cao hơn. Nếu cứ chất vấn như cũ, một ông bộ trưởng không hứa không được, mà hứa là biết chắc không làm được. Ví dụ, Bộ trưởng Y tế hứa khắc phục tình trạng nằm ghép tại bệnh viện lớn, nhưng Bộ Tài chính không cho tiền thì Y tế sao giải quyết được. Khi ta bàn đến mâm cơm có nhiều bộ quản về độ an toàn của nó thì làm sao một bộ trưởng hứa được.
Trân trọng cảm ơn ông!