Theo kết quả biểu quyết, đã có 435/455 đại biểu biểu quyết tán thành, 10 đại biểu không tán thành và 10 đại biểu không biểu quyết Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết, dựa án luật. (Ảnh minh hoạ: TTXVN).
Chiều ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tỷ lệ 90,06% đại biểu tán thành.
Theo kết quả biểu quyết, 435/455 đại biểu biểu quyết tán thành, 10 đại biểu không tán thành và 10 đại biểu không biểu quyết.
Ngoài ra, Quốc hội biểu quyết riêng Điều 1 của Nghị quyết về thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Có 435/455 (chiếm 90,06%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua Điều 1, 12 đại biểu biểu quyết không tán thành và 8 đại biểu không biểu quyết.
Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và làm rõ một số nội dung quy định còn nhiều đại biểu băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Nghị quyết quy định theo hướng không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư mà giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên phải bảo đảm tổng mức đầu tư toàn dự án cả 3 giai đoạn không vượt quá 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), theo quy định tổng mức đầu tư tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào năm 2025, đặc biệt là với tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất thi công dự án, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khá chậm. Cần lưu ý rằng các vụ việc phát sinh khiếu nại thời gian qua thường xuất phát từ khâu áp giá bồi thường, do đó cần thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
“Bên cạnh đó, khi có sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi thì cũng cần có thời gian để người dân xây dựng nhà ở, ổn định chỗ ở, xây dựng các công trình cơ sở tôn giáo làm nơi sinh hoạt trước khi bàn giao đất cho chính quyền. Do vậy, tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án và bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội,” ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Một số đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ trong việc lựa chọn nhà đầu tư dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
“Với đặc thù là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, phải bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đồng thời với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Do đó, Nghị quyết quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về hàng không dân dụng, sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án,” ông Vũ Hồng Thanh nói./.