Phát triển quỹ đất là một chương mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung này nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân gửi về UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nội dung về phát triển quỹ đất nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp vào quy định tại Điều 113 về “Quỹ phát triển đất”, cụ thể tại khoản 1 quy định “Quỹ phát triển đất của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương để tiếp nhận và ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy định tại Điều 111 của Luật này”. Vậy các công tác sau tạo lập quỹ đất, như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, định giá đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất sau tạo lập có được tạm ứng từ quỹ phát triển đất để triển khai thực hiện hay không?
Nhiều chuyên gia nhận định và đưa ra ví dụ, Đồng Nai là tỉnh có kinh tế, xã hội phát triển với nhiều dự án, công trình, vì vậy nhu cầu nguồn lực từ Quỹ phát triển để ứng vốn cho Tổ chức Phát triển Quỹ đất thực hiện các nhiệm vụ là rất lớn như bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; tạo quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để giải quyết cho người dân. Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 113 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất”. Với tỷ lệ phân bổ tối thiểu như trên chưa thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Ban soạn thảo cần xem xét, sửa đổi khoản này theo hướng “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương hoặc căn cứ theo dự toán kinh phí hàng năm của Tổ chức phát triển Quỹ đất mà bố trí nguồn kinh phí cho Quỹ phát triển đất”.
Liên quan đến nội dung về Tổ chức phát triển quỹ đất, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, tại điểm b, khoản 1, Điều 126 quy định “Sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý, quỹ đất được tạo lập từ dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư, quỹ đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước để thực hiện dự án sử dụng đất vào mục đích cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ”. Tuy nhiên về chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất được quy định tại khoản 2, Điều 115 của dự thảo thì chưa có quy định chức năng bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước để thực hiện dự án sử dụng đất vào mục đích cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Góp ý vào Điều 112 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về “Dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề xuất, khoản 2 và khoản 3 cần bổ sung việc trao đổi, lấy ý kiến, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan làm rõ, xác định cụ thể: Đối với dự án tạo quỹ đất thì quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện triển khai ra sao? Cơ quan đề xuất dự án? Cơ quan thẩm định, trình phê duyệt? Các nội dung, tiêu chí, điều kiện trình thẩm định, phê duyệt các nội dung khác,... để đảm bảo tuân thủ, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. Đồng thời, khoản 3 Điều này cũng cần quy định theo hướng phân cấp theo thẩm quyền thu hồi đất giữa cấp tỉnh và cấp huyện nhằm tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính trong việc UBND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất.