Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính).
PV: Bà có thể cho biết việc có một văn bản pháp luật điều chỉnh đối với nguồn tài chính tiền công đức, lễ hội có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp minh bạch lĩnh vực này?
Bà Vũ Thị Hải Yến: Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả nước hiện nay có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, ngoài ra có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, từ lâu chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý, thu chi đối với lĩnh vực này mà mới chỉ dừng ở công văn hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả.
Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế; còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích, trong đó có di tích là cơ sở tôn giáo, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.
Thực tế người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc ban hành quy định là thực sự cần thiết, vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, từ đó đóng góp tích cực hơn vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.
Có ý kiến cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC là nhằm quản lý tiền công đức, tài trợ của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 110 ngày 29/8/2018 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04 ngày 19/1/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; trong đó thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Thứ hai, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội (bao gồm cả việc tự quyết định về nội dung chi và mức chi cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích), bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ ba, các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.
Tại Điều 13 và 14 Thông tư quy định quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, trong đó quy định trích theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số thu tiền công đức, tài trợ cho các nội dung sử dụng. Xin bà cho biết tại sao Thông tư 04 không quy định cụ thể các mức trích để thống nhất thực hiện?
- Di tích gồm nhiều loại và quy mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém. Theo đó, số thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở mỗi địa phương, từng di tích không giống nhau; có di tích có nguồn thu công đức, tài trợ lớn, nhiều di tích có nguồn thu công đức, tài trợ thấp, thậm chí không có nguồn thu công đức, tài trợ. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế tại địa phương và từng di tích, tại Thông tư 04 chỉ quy định có tính nguyên tắc, còn mức trích cụ thể để các địa phương tự quyết định.
Trân trọng cảm ơn bà!
Quy định tại Điều 58 Luật Di sản văn hóa, nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bao gồm: Ngân sách nhà nước; các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích (thu phí tham quan); tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Đối với nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa (thu phí tham quan) được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Mức thu phí tham quan di tích do cấp có thẩm quyền quy định; số thu phí được sử dụng một phần nộp ngân sách nhà nước, phần còn lại được để lại cho đơn vị thu phí để trang trải các chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.