Giáo dục

Quy đổi điểm trong xét tuyển đại học: Có bất lợi cho thí sinh?

Nguyễn Hoài 15/04/2025 14:15

Việc áp dụng quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển đại học vẫn khiến nhiều thí sinh băn khoăn cho rằng sẽ bất lợi, thiếu công bằng trong xét tuyển.

Rối với quy đổi điểm

Mùa tuyển sinh năm 2025, cùng với việc bỏ xét tuyển sớm thì một thay đổi lớn là các trường đại học phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo về thang chung – thang điểm 30. Điểm mới này vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh.

Không ít thí sinh không khỏi băn khoăn, lo lắng về việc sẽ có bất lợi, thiếu công bằng khi các trường áp dụng việc quy đổi điểm trong xét tuyển đại học.

ts 11
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) hiện có chứng chỉ IELTS 7.0. Với số điểm này, Ngọc sẽ có ưu thế khi xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, em vẫn khá lo lắng vì chưa hiểu rõ quy định mới khi các trường phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về cùng một thang điểm chung.

Tương tự, em Tạ Hải Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cũng băn khoăn chưa biết kết quả thi đánh giá tư duy sẽ được quy đổi thế nào so với điểm thi tốt nghiệp THPT. Hải Anh lo lắng, liệu việc quy đổi có khiến thí sinh bị bất lợi trong xét tuyển.

Tăng công bằng giữa các phương thức xét tuyển

Ghi nhận tới thời điểm này, một số trường đại học đã công bố có quy định về việc quy đổi điểm xét tuyển về một thang chung trong phương án tuyển sinh năm 2025.

Đơn cử như Trường Đại học Thương mại, điểm xét tuyển của các phương thức đều được quy đổi về 1 thang chung. Riêng với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trường xây dựng phương án hệ số quy đổi về thang điểm 30. Hệ số này dựa vào dữ liệu mà Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp.

Về công thức tính điểm xét tuyển của các phương thức, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho biết, nhà trường dựa trên điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển từ năm 2022 tới năm 2024 và so sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển theo phương thức này và nhận thấy có sự tương đồng. Từ dữ liệu đó, nhà trường tính toán và đưa ra công thức tính điểm xét tuyển năm 2025, dựa trên tinh thần đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Để tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu quy đổi gây hỗn loạn trong hệ thống và thiếu công bằng với thí sinh trong xét tuyển, Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ ban hành khung chung về việc quy đổi điểm trúng tuyển.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu chính của việc quy đổi là để đánh giá năng lực thí sinh một cách công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Để việc quy đổi điểm khoa học, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, có nhiều phương pháp quy đổi, trong đó có hai phương pháp chính là phân vị và hồi quy tuyến tính.

Với phương pháp phân vị, từ nguồn dữ liệu các thí sinh tham gia nhiều phương thức xét tuyển khác nhau (thi tốt nghiệp THPT, học bạ, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy), trên cơ sở đó xác định điểm đạt top 1%, top 5%, top 10% trong từng kỳ thi để tiến hành quy đổi.

Còn phương pháp hồi quy tuyến tính là việc chia khoảng điểm, tìm tương quan giữa các mức điểm của từng phương thức xét tuyển.

Ngoài việc hướng dẫn quy đổi điểm dựa trên kết quả thi tuyển, Bộ GDĐT còn đề xuất một cách tiếp cận khoa học hơn: Kiểm chứng lại mức quy đổi điểm bằng kết quả học tập của sinh viên.

Các trường có thể đánh giá kết quả học tập của sinh viên năm nhất, năm hai để kiểm tra xem các nhóm sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau có sự tương quan về năng lực hay không.

Nếu một phương thức xét tuyển có điểm chuẩn thấp hơn nhưng sinh viên lại có kết quả học tập tốt hơn, hoặc ngược lại, điểm chuẩn cao hơn nhưng sinh viên học yếu hơn, điều này có thể chỉ ra sự chưa hợp lý trong cách quy đổi điểm. Dựa trên những dữ liệu này, các trường có thể điều chỉnh mức quy đổi điểm để phù hợp hơn với thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy đổi điểm trong xét tuyển đại học: Có bất lợi cho thí sinh?