Giáo dục

Quy đổi thang điểm chung xét tuyển đại học: Công bằng cho mọi thí sinh

Thu Hương 01/04/2025 07:30

Theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến dùng điểm thi tốt nghiệp hoặc học bạ làm gốc, kết hợp hàng loạt tiêu chí để các ĐH xây dựng công thức quy đổi đổi điểm xét tuyển năm 2025.

Tạo thuận lợi cho xét tuyển

ĐH Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên trên cả nước công bố công thức quy đổi điểm giữa các phương thức dự kiến. Công thức này dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, phương thức được ưu tiên và điểm học tập ở bậc ĐH của sinh viên khóa trước.

Bai chinh
Thí sinh tham gia “Ngày hội tuyển sinh - Con đường ra biển lớn năm 2025” do Trường ĐH Ngoại thương tổ chức ngày 30/3. Ảnh: FTU

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm 2025 trường tuyển sinh bằng 3 phương thức gồm: Xét tuyển tài năng, dựa vào điểm thi đánh giá tư duy (TSA) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến đầu vào theo phương thức xét tuyển tài năng và điểm thi TSA của ĐH này sẽ được quy đổi tương đương với điểm của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, theo công thức: “y = ax + b”. Ví dụ, y là điểm quy đổi tương đương từ điểm xét của kết quả thi TSA, x là điểm xét theo điểm thi THPT; a, b là các hệ số quy đổi.

Giá trị hệ số a, b và số khoảng điểm trong một dải điểm sẽ được trường tính toán và công bố (dạng bảng số). Thí sinh có điểm xét nằm trong khoảng nào thì sẽ tra cứu được hệ số a, b để tính.

Theo ông Điền, trường dự kiến chia thành 4 khoảng điểm và hệ số a, b sẽ được xác định khi chính thức có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết đã nghiên cứu và đã có quy tắc quy đổi tương đương dựa trên việc phân tích dữ liệu về đầu vào, kết quả học tập của hơn 20.000 sinh viên trúng tuyển trong 3 năm vừa qua. Trong đầu tháng 4/2025, đề án tuyển sinh của trường sẽ được công bố.

Công bằng trong xét tuyển

Dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng năm 2025 có nội dung yêu cầu quy tắc quy đổi tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng. Việc quy đổi phải có căn cứ khoa học và thực tiễn. Các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi. Ngoài ra, các trường căn cứ vào dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo từng phương thức của các năm trước (tối thiểu 2 năm trước liền kề), kết quả học tập của từng sinh viên.

Trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa kết quả học tập ở ĐH và phổ điểm của các phương thức xét tuyển của cùng nhóm thí sinh; từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho tới điểm tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ: Xuất sắc - giỏi, khá và đạt) để xây dựng tối thiểu 3 hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho 3 vùng điểm này. Dự thảo cũng xây dựng Bảng quy đổi và nội suy hàm tương quan tuyến tính từng khúc liên tục giữa điểm của hai phương thức xét tuyển (sử dụng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm gốc). Đồng thời, căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ GDĐT công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường căn cứ đặc thù của ngành/chương trình đào tạo hoàn thiện quy tắc quy đổi. Hiện nhiều trường đã thu thập, phân tích dữ liệu để xây dựng công thức mẫu, trong khi chờ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.

Việc quy định chung các cơ sở đào tạo phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển giúp các cơ sở đào tạo không cần phân bổ chi tiêu riêng cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển mà sẽ thực hiện xét tuyển đồng thời chung cùng hệ thống. Điều này đảm bảo sự tinh gọn hơn trong các khâu xét tuyển so với trước đây.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, hiện đang tồn tại hai điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn khác như điểm học bạ hoặc điểm từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Điều này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi “vì sao lại có hai điểm chuẩn này”? Hiển nhiên, giữa hai điểm chuẩn này phải có sự tương đương, không thể dựa theo số chỉ tiêu mà các trường đặt ra. Do đó, việc quy đổi hoặc xác định để hai điểm chuẩn này tương đương nhau là rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho thí sinh sao cho có thể đảm bảo năng lực tương đương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy đổi thang điểm chung xét tuyển đại học: Công bằng cho mọi thí sinh