Kết quả thanh tra 4 DN bán hàng đa cấp do Bộ Công thương vừa công bố cho thấy, các công ty kinh doanh đa cấp sai phạm tràn lan. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Trần Quốc Khánh.
PV: Theo kết quả công bố mới đây về việc thanh kiểm tra các công ty kinh doanh đa cấp, có thể thấy, công ty nào cũng có nhiều lỗi, có phải “sờ”đâu cũng thấy sai phạm, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Quá trình kinh doanh của các DN nào cũng vậy, nếu họ không để ý đến các quy định của pháp luật thì rất dễ vi phạm hành chính. Chính vì thế, chúng ta đã có các quy định của Nhà nước để xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực kinh doanh.
Trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp cũng vậy, khi chúng tôi đi kiểm tra cũng đã phát hiện ra một số vi phạm, trong đó có những vi phạm đơn thuần nhỏ lẻ về hoạt động bán hàng đa cấp. Ví dụ như xây dựng mạng lưới bán hàng đa cấp, ký kết hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp… chưa đúng quy định của pháp luật. Tất cả các vi phạm đó đã được chúng tôi thông báo công khai và có xử lý trong thời gian tới.
Các vi phạm đã diễn ra trong thời gian rất dài nhưng gần đây mới được làm rõ, liệu nhà quản lý có đang buông lỏng quản lý hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sau khi đã cấp phép cho họ không?
- Xét trên khía cạnh quản lý, chức năng của Bộ Công thương có 2 trách nhiệm chính gồm: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho các DN theo đúng quy định của pháp luật và sau đó tổ chức kiểm tra. Chúng tôi cho rằng, ngay sau khi tiếp nhận cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, thì 6 tháng sau chúng tôi đã tổ chức kiểm tra thường xuyên từ đó đến nay.
Đợt kiểm tra này cũng là đợt kiểm tra ở cấp Bộ bao gồm nhiều cơ quan trong Bộ Công thương để xem xét lại hoạt động bán hàng đa cấp. Ở đây, khi đi kiểm tra có DN này vi phạm, DN khác vi phạm, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, nếu có biểu hiện vi phạm hành chính thì xử lý hành chính còn có vi phạm khác sẽ chuyển cơ quan chức năng khác để xem xét, xử lý.
Thưa ông, với các Sở Công thương, họ có trách nhiệm ra sao khi để xảy ra sai phạm?
- Các Sở Công thương cũng đã triển khai kiểm tra hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp rất tích cực theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương. Tính từ tháng 1-2016, các Sở Công thương đã xử phạt 42 công ty, kể cả các công ty đã được cấp giấy chứng nhận và chưa được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp. Tổng số tiền xử phạt các công ty vi phạm của các Sở Công thương cũng đã đạt được 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đã có sự vào cuộc, phối hợp giữa Bộ và các Sở để công tác kiểm tra kiểm soát đạt hiệu quả tốt hơn, hướng đến một thị trường trật tự hơn trong thời gian tới.
Vừa qua, Bộ đã có được kết quả kiểm tra 7 doanh nghiệp nhưng tại sao đến nay mới công bố kết quả của 4 công ty và 3 công ty còn lại vẫn chưa được công bố, thưa ông?
- Thời gian kiểm tra của đoàn kiểm tra cấp bộ dài hơn, bên cạnh kiểm tra hành chính đơn thuần, đoàn kiểm tra còn phải kiểm tra các việc bao gồm tổ chức mạng lưới bán hàng đa cấp như thế nào, ký kết hợp đồng ra sao…Do đó, đòi hỏi mất nhiều thời gian nhưng sau hơn 3 tháng kiểm tra, đã có kết luận kiểm tra của 4 DN và một DN nữa đã đi vào quy trình cuối của quá trình kiểm tra.
Nếu trừ ngày nghỉ thì mỗi DN cũng chỉ kiểm tra 15 ngày. Nội dung kiểm tra rất nhiều, có nhiều nội dung phải về tận các tỉnh xác minh nên thời gian đó cũng không quá dài. Thời gian kiểm tra quan trọng song chất lượng kiểm tra cũng quan trọng không kém, do vậy chúng tôi không quy định thời gian kiểm tra để đảm bảo kết quả kiểm tra thật rõ ràng.
Thưa ông, người dân đã đóng tiền nhưng không nhận hàng thì Bộ Công thương có hỗ trợ gì cho người tham gia vào mạng lưới của công ty bán hàng đa cấp hay không?
- Ở đây, chúng ta cần phải phân định rõ 2 đối tượng tham gia vào mạng lưới của công ty bán hàng đa cấp. Khi đi kiểm tra, chúng tôi phát hiện được ra 2 đối tượng, gồm những người tham gia thực sự, họ thực sự mong muốn trở thành mạng lưới tham gia bán hàng đa cấp, họ đóng tiền cho công ty, sau đó có nhận lại hàng để đi bán hàng.
Nhưng vì một số lý do nào đó, họ không tiêu thụ được số hàng đó và nay họ mong muốn trả lại hàng cho công ty để lấy lại tiền theo đúng quy định của pháp luật. Trong những trường hợp đó, nếu công ty từ chối không nhận lại hàng mà không có lý do chính đáng thì Bộ Công thương chắc chắn sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi đến cùng của những người tham gia bán hàng đa cấp đó.
Còn một đối tượng thứ 2 là cũng tham gia vào mạng lưới của công ty, nhưng họ không phải là người bán hàng đa cấp thực sự. Họ đưa tiền của công ty nhưng không nhận hàng mà thậm chí từ chối nhận hàng, họ đưa tiền cho công ty để mong chờ khoản lãi do công ty chi trả. Đây là quan hệ hoàn toàn khác, không phải là quan hệ bán hàng đa cấp nữa. Cho nên, khi có tranh chấp xảy ra giữa các bên với nhau, cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!